Tháng 4 là tháng khởi động cho mùa du lịch, làng nghề chế biến hải sản khối 7, phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) lại tấp nập người vào ra. Theo chân cán bộ Ngân hàng CSXH thị xã Cửa Lò, chúng tôi vào thăm cơ sở chế biến hải sản Ba Nguyệt.
Vợ chồng ông Võ Hồng Ba ở khối 7, phường Nghi Thủy vốn là quân nhân xuất ngũ. Những năm tháng đi lính ở Phan Thiết nổi tiếng bởi nước mắm thơm ngon, ông Ba học được bí quyết làm nước mắm. Phục viên trở về, kinh tế gia đình thuộc đối tượng hộ khó khăn, ông bà vay mượn anh em theo nghề sản xuất nước mắm truyền thống. Sau này, gia đình được bình xét vay vốn từ chương trình thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất nước mắm.
Ông Ba cho biết, sản xuất nước mắm truyền thống đã trở thành "thương hiệu" của người dân làng biển bao đời nay. Nghề cha truyền con nối này đang được người dân bền bỉ gìn giữ. Riêng gia đình ông hiện có 20 bể chượp, trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 3.000 lít nước mắm, chủ yếu phục vụ khách du lịch và khách hàng trong tỉnh.
Tại phường Nghi Thủy, đến ngày 31/03/2021 dư nợ đạt 33.781 triệu đồng với 647 khách hàng đang còn dư nợ, 13 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các mô hình cho vay chủ yếu để buôn bán, mua tủ đông bảo quản hải sản; mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt hải sản; đóng thuyền đánh bắt hải sản; nuôi cá lồng bè (cá mú, cá diêu hồng Mỹ...).
Là người dân vùng biển, từ lâu, anh Đậu Văn Hiệp ở khối Đông Tiến, phường Nghi Thủy có đam mê nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng bè. Nhưng vì đặc tính nghề nuôi cần vốn khá lớn nên anh phải huy động người nhà, chung góp cùng bạn bè để khởi nghiệp. Năm 2018, từ nguồn vốn hộ mới thoát nghèo, anh vay 50 triệu đồng để nuôi các loại cá như cá vược, cá diêu hồng,…
Anh Hiệp cho biết, nuôi cá lồng bè 1 năm 1 vụ thu hoạch, năm vừa rồi thuận lợi thu về 10 tấn cá, lãi 300 - 350 triệu đồng/năm. Nếu thuận lợi, nguồn nước đảm bảo thì đây là nghề khá lãi. Tuy nhiên, vốn ban đầu để làm lồng bè, con giống… cao; mỗi hộ đầu tư 10 - 12 ô lồng cũng hết 500 - 700 triệu đồng nên chúng tôi rất mong tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để sản xuất, thoát nghèo vươn lên làm giàu trên vùng đất quê hương của mình.
Theo Ngân hàng CSXH thị xã Cửa Lò, tính đến ngày 31/03/2021 dư nợ cho vay đạt 179.447 triệu đồng, cho vay ủy thác qua 03 tổ chức chính trị xã hội quản lý (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Hội CCB) với 3.750 khách hàng dư nợ, thông qua 93 tổ tiết kiệm và vay vốn. Đơn vị hiện đang triển khai cho vay 08 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó, cho vay hộ mới thoát nghèo có dư nợ cao nhất với 81.059 triệu đồng chiếm tỷ lệ 45,2% tổng dư nợ.
Tại huyện Diễn Châu, nhiều hộ cũng vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư nuôi trồng thủy sản. Ở xã Diễn Trung, với lợi thế vùng đất cát ven biển, những năm gần đây, xã phát triển mạnh nghề nuôi tôm trên cát, toàn xã có gần 60 hộ nuôi với tổng diện tích 50ha, chủ yếu là giống tôm thẻ chân trắng.
Anh Nguyễn Tiến Cường ở xóm 2, xã Diễn Trung cho biết, nuôi tôm trên cát là bước đi đột phá của địa phương, tận dụng đất nhiễm mặn, đất trống đưa vào quy hoạch để bà con nông dân nuôi trồng thủy sản. Để đầu tư cho vụ nuôi chính anh đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng từ nguồn vốn hộ mới thoát nghèo để cải tạo, nâng cấp ao nuôi và hy vọng tiếp tục được vay vốn chính sách phát triển kinh tế.
Quý I/2021, Ngân hàng CSXH tiếp tục ưu tiên cho vay xóa nghèo bền vững chủ yếu tập trung vào đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay đạt 28 tỷ đồng, chiếm 57,8% tổng doanh số cho vay với 479 lượt hộ được vay vốn. Đến nay, dư nợ cho vay xóa nghèo bền vững đạt 410 tỷ đồng, vốn vay đã giúp cho 8.477 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống từng bước thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, với doanh số cho vay đạt 19 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,2%. Nhờ đó đã có 21.191 lượt hộ có vốn để sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo,...
Với kết quả trên, hoạt động tín dụng chính sách đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và ổn định, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.
Tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo đã giải quyết vòng luẩn quẩn “nghèo - vay vốn - thoát nghèo - trả vốn - tái nghèo”; phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.