Những ngày này, mỗi chuyến biển của ngư dân Diễn Châu trở về đều đầy ắp tiếng cười vì hải sản được mùa, được giá.
Ông Nguyễn Văn Tùng, ngư dân xã Diễn Ngọc (
Diễn Châu) phấn khởi: "Một tuần trở lại đây, sản lượng đánh bắt tăng cao, dao động từ 20 - 30% mỗi chuyến so với tháng 3. Điều bà con vui nhất là hải sản về đến cảng đều được thu mua hết, không còn ế ẩm hay bán với giá thấp như năm vừa qua".
Ngư dân Nghệ An phấn khởi vì giá hải sản tăng cao kỷ lục từ sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Nguyên Châu Theo khảo sát, giá hải sản tại cảng Lạch Vạn, Diễn Châu đã tăng giá mạnh, cụ thể, giá ghẹ loại 1 tăng từ 200.000 - 250.000 đồng/kg lên 400.000 đồng/kg; cá thu tươi tăng từ 160.000 đồng/kg lên 220.000 đồng/kg; tôm he tăng từ 400.000 lên 550.000 đồng/kg; các loại mực cũng tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 3.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã
Diễn Ngọc cho biết: "Từ đầu năm đến nay, sản lượng đánh bắt toàn xã là 5.200 tấn hải sản, doanh thu gần 300 tỷ đồng, tính riêng từ đầu tháng 4, ngư dân toàn xã đã đánh bắt được gần 1.000 tấn hải sản các loại, giá hải sản cũng đang ở mức cao nhất từ thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay nên bà con rất phấn khởi".
Được biết, nguyên nhân khiến giá hải sản tăng mạnh là do hiện nay đã bước vào mùa du lịch, các khách sạn, nhà hàng đã bắt đầu nhập lượng lớn hải sản về để phục vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện dịch bệnh trên lợn, trâu, bò đang diễn biến phức tạp, do đó tâm lý người tiêu dùng đã lựa chọn các thực phẩm khác để đảm bảo
an toàn, trong đó hải sản được nhiều người ưu tiên hàng đầu.
Rau xanh được nhiều người tiêu dùng chọn mua dù giá đang nằm ở mức cao. Ảnh: Nguyên Châu Không chỉ hải sản mà rau xanh các loại hiện cũng đang chạm đỉnh từ đầu năm đến nay. Bà Lê Thị Hạnh, người dân xã Hưng Đông, TP.Vinh cho biết: "Hiện các loại rau ngắn ngày như cải cúc, cải xanh, mùng tơi, rau thơm, xà lách... hiện đã tăng khoảng 50% so với tháng 3, đặc biệt rau cải xút được trồng nhiều nhất tại vùng rau Vinh Xuân hiện đã tăng từ 5.000 đồng/kg lên 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng bà con không đủ hàng để bán".
Các quầy bán thịt lợn, thịt bò tại các khu chợ hiện đang trong tình trạng đìu hiu. Ảnh: Nguyên Châu Trái ngược với tình cảnh sầm uất ở các gian hàng hải sản, rau xanh thì tại các ki ốt kinh doanh thịt bò, thịt lợn hiện đang trong tình trạng đìu hiu, hình ảnh tiểu thương chờ khách xuất hiện nhiều tại các khu chợ.
Theo khảo sát tại chợ Quán Lau (TP.Vinh) sáng 10/4, nếu như thịt bò vẫn giữ giá 220.000 - 250.000 đồng/kg thì thịt lợn đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg, chỉ dao động từ 140.000 - 150.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, sức mua của 2 thực phẩm này đều rất thấp.
Bà Vân, tiểu thương kinh doanh thịt bò cho biết: "Mặc dù hàng nhập từ lò mổ đều có nguồn gốc xuất xứ, có giấy
kiểm dịch, tuy nhiên cả tuần nay người mua giảm hẳn, do đó, chúng tôi cũng đành phải nhập hàng ít hơn vì sợ thua lỗ, ngày trước nhập về từ 5 - 7 yến thịt/ngày thì nay chỉ nhập 3 yến thôi, bán cầm chừng...".
Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua thịt lợn, thịt bò tại các quầy hàng ở vỉa hè, lòng lề đường. Ảnh: Nguyên Châu Hiện Chi cục Chăn nuôi & Thú y Nghệ An khuyến cáo, người tiêu dùng không nên “quay lưng” lại với sản phẩm thịt lợn, thịt bò, tuy nhiên phải lựa chọn thịt được giết mổ tại các điểm giết mổ tập trung, qua sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thú y, có đóng dấu kiểm dịch. Tuyệt đối không tiêu thụ thịt lợn, thịt bò được bày bán tại các vỉa hè, lòng lề đường vì không đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm./.