Bài toán cần trăn trở

Mặc dù trong nhiều năm qua, huyện Thanh Chương đã có những giải pháp tập trung chỉ đạo để phát triển. Và thực sự, Thanh Chương giờ đã là thủ phủ cây chè ở Nghệ An với tổng diện tích 4.438,2 ha chè, trong đó có 3.880 ha kinh doanh, lớn nhất của cả tỉnh. Diện tích rừng cũng lên đến 60.000 ha, trong đó rừng trồng 23.000 ha, chiếm 15% cả tỉnh. Tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện cũng chiếm một tỷ lệ khá lớn. Trong khi công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ còn khá khiêm tốn, nếu nói là không mấy sôi động, thì nông nghiệp đang mang lại những thay đổi trên mảnh đất nghèo. Minh chứng là đến nay, toàn huyện đã có 15 xã, 7 xóm đạt chuẩn nông thôn mới.

bna_image_6832318_1972019.jpgChủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Chương. Ảnh: Thành Duy

Nhưng điều đau đáu, trăn trở mà ai cũng cảm nhận được chính là Thanh Chương đang thiếu một cú hích, bứt phá thực sự trên nền tảng của mình. Chè là thế mạnh! Ai cũng khẳng định điều đó nhưng chè Thanh Chương đang phải đóng “vai phụ” trên thị trường chè. Cả ngàn ha đã đưa vào khai thác song người trồng chè không tránh khỏi những phen thấp thỏm, lo âu vì đầu ra còn thiếu ổn định, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khoảng 70 cơ sở chế biến nhỏ lẻ trên địa bàn, còn các xí nghiệp chế biến thuộc Công ty Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An hoạt động không hiệu quả và ngừng hoạt động.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương cũng cho đây là điểm yếu nhất trong quy trình trồng trọt, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ cây thế mạnh này. Trên nhiều diễn đàn, và cả tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Văn Quế đều sốt sắng đề xuất thu hút một nhà máy chè tầm cỡ, đẳng cấp ở Thanh Chương để thu mua, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng và đặc biệt là xây dựng, nâng tầm thương hiệu chè Thanh Chương.

Thu hoạch, chế biến chè ở Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Hay như cả diện tích rừng trồng rất lớn nhưng ở Thanh Chương chủ yếu đang trồng và tiêu thụ theo kiểu “ăn lúa non”. Keo chỉ tầm 4 - 5 tuổi đã được bán mà đang thiếu đi những cánh rừng gỗ lớn. Đây cũng là vấn đề mà Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu tỏ ra trăn trở. Vì thế để Thanh Chương “vượt đất” đi lên từ nông nghiệp, cần phải có một sự vào cuộc thật nghiêm túc, đồng bộ. Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngành sẽ tập trung hỗ trợ làm chứng chỉ rừng để trồng rừng gỗ lớn, đồng thời tìm doanh nghiệp vào đồng hành. Còn đối với cây chè, huyện cần kiên quyết giữ vững quy hoạch, vì đây là cây có giá trị kinh tế cao, hiện nay bình quân 70 - 80 triệu đồng/ha.

“Ngành Nông nghiệp đang chỉ đạo cổ phần hóa Công ty chè Nghệ An, dự kiến tháng 9 năm nay sẽ hoàn thành. Nhà đầu tư chiến lược cam kết sau cổ phần hóa, trên vùng chè Nghệ An mà Thanh Chương là lớn nhất sẽ tập trung xây dựng cơ sở chế biến chè ứng dụng công nghệ cao. Như vậy mới có thể giải quyết tốt thế mạnh của Thanh Chương về cây chè”

Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu

Bưởi Diễn cho năng suất cao ở xã Thanh Liên (Thanh Chương). Ảnh: Nguyên Sơn

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cũng đồng tình cao với hướng đi chọn nông nghiệp là “mặt trận” chủ công trong phát triển kinh tế huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, có cảm nhận là nông nghiệp huyện cơ bản chỉ mới sản xuất thuần, đang lúng túng trong hình thành những chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao.

“Vì sao Sơn La ở Tây Bắc lại sản xuất được rau chất lượng cao xuất khẩu cho Nhật Bản với giá trị rất cao. Cái đó chúng ta đáng suy nghĩ”, đồng chí Thái Thanh Quý dẫn chứng và đề nghị huyện cần phát triển nông nghiệp gắn với chế biến sâu, tinh để nâng cao giá trị sản phẩm và giá trị sản xuất trên mỗi diện tích. Bên cạnh đó, người đứng đầu UBND tỉnh cũng đề nghị quan tâm đến nghề trồng rừng với những sản phẩm gỗ chất lượng, để đón đầu sắp tới đây tỉnh sẽ có một khu công nghiệp chế biến lâm sản công nghệ cao để chế biến sâu các sản phẩm gỗ; đồng thời có cả một nhà máy gỗ MDF quy mô ở Anh Sơn.

Khai thác tiềm năng du lịch

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý kiểm tra tiến độ triển khai Dự án Khu du lịch hỗn hợp và nghỉ dưỡng hồ Cầu Cau tại 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh. Ảnh: Thành Duy

Trên bản đồ du lịch của tỉnh, Thanh Chương lâu nay chưa tạo dấu ấn. Nhưng mấy năm qua, khi đảo chè ở hồ Cầu Cau thuộc 2 xã Thanh Thịnh và Thanh An được khám phá, quảng bá thì nơi đây hàng năm đã hút một lượng du khách đáng kể. Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường đánh giá đây là một tài nguyên rất đặc biệt. Và “ngái ngôi chi mà anh nỏ về” - nếu có một nhà đầu tư đủ tiềm lực phát triển đúng cách thì sẽ trở thành điểm đến cực kỳ hấp dẫn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Nhìn vào bức tranh tổng quan, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá, bước đầu Thanh Chương đã tận dụng lợi thế về địa hình, địa vật, sản phẩm nông nghiệp để phát triển du lịch, nhưng nhìn vào hiện trạng, du lịch ở huyện cơ bản vẫn là tự phát. Do đó, Thanh Chương nên nghiêm túc nhìn nhận du lịch là một ngành kinh tế của huyện. Muốn vậy cần phải rà soát hệ thống di tích, các điểm du lịch tâm linh, cộng với du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, đồng thời tổ chức hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia, các doanh nghiệp về du lịch. Sau đó, huyện kết hợp với Sở Du lịch xây dựng một đề án phát triển du lịch vì với điều kiện về hạ tầng, khí hậu, tự nhiên, văn hóa - lịch sử thì xứ nhút đủ sức để trở thành tâm điểm du lịch của tỉnh.

Với tầm nhìn đó, trên địa bàn huyện tập trung đẩy mạnh, khuyến khích các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển để phục vụ lại nông nghiệp và du lịch, dịch vụ. Và điều quan trọng, theo Chủ tịch UBND tỉnh, để đi lên mạnh mẽ, Thanh Chương phải phát huy được bề dày truyền thống quê hương, đó là hiếu học, cần cù lao động, nhiều người đỗ đạt, nhiều người có những cống hiến, đóng góp lớn trên các lĩnh vực trong nước và quốc tế. Đây là một trong những giá trị lớn nhất, nếu huyện phát huy tốt sẽ là cơ sở để họ đóng góp trí tuệ, nguồn lực vật chất và tinh thần, chung sức xây dựng quê hương.

Quang cảnh đảo chè khu vực đập Cầu Cau (Thanh Chương). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải