Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ Dự án khu du lịch hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau
Phát triển nông nghiệp là mặt trận hàng đầu
Đây là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hữu Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Thanh Chương khi nhấn mạnh với đoàn công tác một trong những trọng tâm chỉ đạo của huyện là lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, sản xuất nông nghiệp trong những năm qua được mùa toàn diện cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, ổn định từ 105.000 - 110.000 tấn.
Huyện đã xây dựng và triển khai Đề án về “Phát triển cây trồng hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm”; Đề án “Phát triển một số vật nuôi gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016-2020”;...
Tổng diện tích chè đạt 4.438,2 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh 3.880 ha. Diện tích sắn nguyên liệu ổn định từ 2.200 ha đến 2.500 ha, phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. Diện tích rừng tập trung trồng mới hàng năm đạt trên 2.000 ha;…
Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và có bước tăng trưởng khá. Tình hình hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tương đối ổn định.
Về văn hóa - xã hội, điểm nổi bật của Thanh Chương là chất lượng giáo dục được nâng lên, kết quả thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi hàng năm đều đạt được kết quả cao.
Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 8,41%, dự ước năm 2019 đạt 8,62%; Thu ngân sách đạt 95,6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 35,2 triệu đồng, dự ước năm 2019 đạt 39,2 triệu đồng/người/năm. Đến nay đã có 15 xã và 7 xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019 tiếp tục chỉ đạo xây dựng để đạt chuẩn thêm 3 xã, 19 xóm nông thôn mới.
Tại cuộc làm việc, huyện Thanh Chương kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến nâng cấp, sửa chữa, hạ tầng giao thông; UBND tỉnh quan tâm đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án: Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu dược liệu thực phẩm chức năng công nghệ cao; Dự án khu du lịch dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Hồ Cầu Cau, trường hợp nhà đầu tư không triển khai, chậm tiến độ đề nghị UBND tỉnh thu hồi, để thu hút nhà đầu tư khác vào khảo sát.
Huyện cũng kiến nghị thu hút nhà máy chế biến chè công nghệ cao vào trên địa bàn; hỗ trợ bổ sung cho 3 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2019, mỗi xã 1.000 tấn xi măng, tổng 3.000 tấn, để đạt tiêu chí về giao thông.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã trả lời các kiến nghị của huyện Thanh Chương liên quan đến lĩnh vực phụ trách, đồng thời gợi mở một số nội dung cho huyện.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, cây chè là thế mạnh của huyện, do đó cần phải giữ vững quy hoạch. Về phía Sở sẽ quan tâm để thu hút nhà máy chế biến chè Thanh Chương; đồng thời hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh đề nghị Thanh Chương mở rộng các nhóm sản phẩm khác bên cạnh các sản phẩm gạch, tinh bột sắn và chè; quy hoạch chế biến chè, hạn chế chế biến thủ công để tạo điều kiện các nhà đầu tư vào chế biến sâu…
Mặc dù đã xác định đúng hướng song đặt câu hỏi: Thanh Chương đã phát huy hết lợi thế, nội lực và kêu gọi ngoại lực đã tốt chưa? Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thanh Chương cần phát huy được lợi thế rất quan trọng và bề dày truyền thống là con người. Qua đó, huyện có thể tận dụng được nguồn lực chất xám, trí tuệ của những người con Thanh Chương, để quay lại đóng góp cả nguồn lực và tinh thần xây dựng quê hương.
Huyện cũng phải giữ gìn thật tốt tinh thần đoàn kết, trước hết là trong Thường trực, Ban Thường vụ, lan tỏa ra Ban Chấp hành Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ.
Cùng với đó, Thanh Chương cần có chiến lược để phát huy tốt lợi thế về vị trí địa lý, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang tích cực để có thể triển khai đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn có hướng tuyến đi qua cửa khẩu Thanh Thủy; đất đai cơ bản thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp; hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện, đặc biệt là tổng km đường nhựa nhiều nhất tỉnh.
Về nhiệm vụ trước mắt, Thanh Chương cần tập trung chống hạn, chống lụt, đặc biệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên tinh thần không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tập trung rà soát lại kế hoạch tăng trưởng năm 2019; phân tích, mổ xẻ các chi tiêu của nhiệm kỳ có khả năng không đạt được, nhất là tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và thu nhập bình quân đầu người. Qua đó phân công người phụ trách và các ngành để chỉ đạo thực hiện, đồng thời cũng chỉ ra nguyên nhân để xác định mục tiêu cho nhiệm kỳ tới, vừa đảm bảo tinh thần tiến công cao nhưng phải đúng, sát với thực tiễn.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao huyện Thanh Chương đã xác định được nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, song hiện nay đang chủ yếu chế biến thuần, do đó phải phát triển chế biến sâu, chế biến tinh để nâng cao giá trị sản phẩm, diện tích, gắn với yếu tố thị trường hàng hóa.
Bên cạnh đó, huyện nên chú ý đến công tác phát triển nghề trồng rừng vừa phù hợp với lợi thế của huyện, vừa gắn với chiến lược thu hút đầu tư phát triển ngành chế biến gỗ của tỉnh; đồng thời phát huy hiệu quả là đất đai; quan tâm phát triển du lịch thành một ngành kinh tế.
Thanh Chương cũng cần làm tốt hơn tăng trưởng với phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trong đó có an ninh biên giới; công tác quy hoạch, trước hết là quy hoạch thị trấn, thị tứ, vùng, tổng thể; quản lý tài nguyên môi trường, nhất là tăng cường quản lý khoáng sản.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị huyện thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chuẩn bị tốt nhất cho đại hội Đảng các cấp, trong đó có chuẩn bị công tác cán bộ; giải quyết tốt công tác khiếu nại, tố cáo; đánh giá lại chiến lược phát triển kinh tế nhiệm kỳ qua và xây dựng chiến lược cho nhiệm kỳ tới; thực hiện tốt sáp nhập xóm, xã.
Các kiến nghị của Thanh Chương cũng đã được đồng chí Thái Thanh Quý chỉ rõ hướng giải quyết cụ thể.