(Baonghean.vn) - Thanh Liên là địa bàn miền núi của huyện Thanh Chương, để né tránh hạn, người dân  đã chuyển diện tích trồng lúa sang trồng bí cho thu nhập cao  và mô hình này đang được nhân rộng.

images1623008_1.jpgBí xanh trên đất lúa ở Thanh Liên của gia đình chị Phạm Thị Tuyết

Trời nắng chang chang nhưng không làm giảm niềm vui đối với gia đình các chị Phạm Thị Tuyết, Phạm thị Minh và anh Nguyễn Văn Hóa ở xóm 8 Liên Châu xã Thanh Liên huyện Thanh Chương vì trúng vụ bí đầu tiên trên đất lúa.

Sau hơn 2 tháng trồng  chăm sóc, vườn bí xanh trên 2,5 ha ở khu vực Đò Cận của các gia đình  họ đã cho thu hoạch. Bí xanh bán tại ruộng đạt 3.500 đồng/kg và sai quả, ước 1 ha đạt trên 20 tấn. Năm nay trời nắng hạn, các loại cây trồng không thể trồng trỉa đúng thời vụ thì bí chạy hạn ở Thanh Liên lại cho thu hoạch. Theo ước tính, mỗi ha bí của các chị đã cho thu hoạch hơn  20 tấn, với 2, 5 ha,  các gia đình có 50 tấn bí, cho thu nhập khoảng 180 triệu đồng.

Đến kỳ thu hoạch lại có các thương lái từ  Vinh và Nam Đàn đến thu mua tại ruộng. Trừ chi phí, 2,5 ha bí  còn lãi 120 triệu đồng chỉ trong 3 tháng.

Nhờ trồng đúng qui trình kỹ thuật bí xanh sai quả

Để có được kết quả như ngày hôm nay theo ông Phạn Bá Ngọc - Chủ tịch UBND xã Thanh Liên là nhờ công tác dồn điền đổi thửa ruộng đất được đưa về một mối  ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất hiệu quả. Trên vùng đất này một thời xã đã cho trồng đến 60 ha đậu giải, rồi  thử nghiệm cánh đồng mẫu lớn về ngô lai. Tuy nhiên, khó cho đầu ra nên những năm gần đây người dân trồng bí xanh.

Học theo chị Phạm Thị Tuyết, đã có thêm rất nhiều hộ dân ở xã Thanh Liên tiến hành trồng bí xanh trên ruộng lúa.  Ông Nguyễn Văn Ngọ người đang trồng bí  cho biết: ông đã giành một nửa để trồng bí, một nửa trồng lúa. Năm nay, sau khi tính toán có lãi, năm sau sẽ chuyển hẳng sang trồng bí. Theo thống kê của xã số diện tích được chuyển đổi sang trồng bí đạt trên 5 ha.

Thương lái ở Vinh lên mua bí tại ruộng.

Theo ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về chuyển đổi 5000 ha đất lúa sang trồng màu huyện Thanh Chương cũng đã xác định lộ trình sẽ chuyển dần mỗi năm khoảng 200 ha. Ngoài trồng bí xanh, rau màu có thể trồng cam, bưởi Diễn và một số loại cây trồng khác hình thành vùng chuyên canh nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Trong đó, bí là loại cây được ưu tiên vì đầu ra đang thuận lợi.

Trần Đình Hà

TIN LIÊN QUAN