(Baonghean.vn) - Huyện Nghi Lộc hiện có khoảng 400 người làm nghề đậu phụ, chủ yếu ở các xã như Nghi Trung, Nghi Diên, Nghi Thuận, thị trấn Quán Hành... Tận dụng thời gian nông nhàn, nghề này đem lại nguồn thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/ tháng.
Vất vả cực nhọc, thức đêm dậy sớm nhưng vợ chồng anh Thành chị Kim ở xóm 17 xã Nghi Trung (Nghi Lộc) vẫn cần cù bám nghề làm đậu phụ để nuôi sống cả gia đình. Mỗi ngày gia đình anh Thành sản xuất gần 20 kg đậu. Sản phẩm cung cấp chủ yếu cho các chợ trong huyện và các bếp ăn tập thể. Sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi gần 200 ngàn đồng/ngày.
Anh Thành cho biết: “Làm đậu phụ không khó nhưng trong quá trình làm đậu phụ, từ khâu chọn hạt đậu đến khi làm ra thành phẩm đòi hỏi phải cẩn thận và trên hết là phải sạch sẽ. Để có được những miếng đậu ngon, mịn thì người làm phải có kỹ thuật ”.
Gia đình anh Lam và chị Trần Thị Vĩ, xóm 14, xã Nghi Thuận cũng làm đậu phụ bán vào buổi sáng và cho thu nhập trên 100 ngàn đồng/một ngày. Phụ phẩm từ đậu phụ giúp các gia đình chăn nuôi lợn, nâng cao thu nhập.
Sản phẩm chính của nghề làm đậu gồm: đậu bìa, sữa đậu nành và tào phớ. Ngoài ra, một số sản phẩm phụ của nghề như bã đậu, nước chắt đậu, vỏ đỗ... làm phụ phẩm chăn nuôi rất tốt.
Anh Nguyễn Văn Thao - Phó phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc, cho biết: "Phát triển nghề phụ là chủ trương được huyện Nghi Lộc khuyến khích phát triển. Nghề làm đậu phụ không chỉ tạo việc làm cho một số hộ nông dân mà còn góp phần phát triển ngành chăn nuôi ở địa phương. Tới đây, UBND huyện tiếp tục vận động bà con tham gia để có thể sắp tới phát triển thành làng có nghề”.
Đậu phụ là món ăn phổ biến, có lợi cho sức khỏe. Theo các nhà khoa học, hạt đỗ tương chứa nhiều chất dinh dưỡng tự nhiên và vitamin E, D..., có thể chống lão hóa, xơ vữa động mạch. Đặc biệt, người ăn kiêng, ăn đậu phụ vẫn có đủ chất dinh dưỡng cần thiết mà không bị thiếu chất, béo phì.
Hồng Vinh