(Baonghean) - Lào vốn là nước láng giềng quan hệ hữu nghị đặc biệt với Việt Nam. Trong những ngày lễ trọng đại đầu tháng Năm, chúng tôi đã làm cuộc du ngoạn trên đất bạn Lào.

763111_small_55231.jpgNhững chiếc du thuyền ngược nguồn sông Nậm Ngừm, một con sông lớn ở Viêng Chăn góp nước vào sông Mê Kông. Ảnh: Quốc Khánh
 
Những ngày này ở Lào đã bắt đầu mùa mưa, qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, đã thấy tiết trời se lạnh, những cơn mưa rào chợt đến chợt tan. Người Lào rất thích mưa bởi 6 tháng mùa khô cây lá ven rừng cháy sém, trọi trơ, nên dù mưa nhỏ hay mưa to nhiều người vẫn để đầu trần như là “giải toả” những cơn khát. Nhiều cánh rừng đặc trưng đất Lào kéo dọc 2 bên đường vẫn chưa kịp xanh lá.

Thà Ngòn - bãi thuỷ tạ bến sông Nậm Ngừm. Ảnh: Q.K
 
Người Lào đón lễ Quốc tế lao động 1 tháng 5 như một trong những cái tết trong năm. Mỗi năm Lào có 5 cái tết lớn, đó là tết dương lịch 1 tháng 1, tết té nước (Bun hốt nặm là tết cổ truyền dân tộc Lào đón mừng năm mới) vào giữa tháng 4 dương lịch, tết Quốc tế lao động 1 tháng 5, tết giải phóng thống nhất đất nước (ngày 2 tháng 12) và tết Nguyên Đán của Việt Kiều và người Hoa. Ông Khăm Hùng, giám đốc nhà máy sản xuất thép hình lớn nhất Viêng Chăn cho biết, năm nay nhiều cơ quan nhà nước của Lào còn kỷ niệm ngày 30 tháng 4 của Việt Nam nên kéo dài ngày nghỉ từ 30 tháng 4 cho đến ngày 3 tháng 5, nhà máy của ông cũng cho công nhân nghỉ như vậy, theo đó còn chi tiền quà cho người lao động vui tết.
 
Đến Lào tôi mới thấy đúng là không khí tết thực sự. Từng đoàn xe gia đình kéo nhau lên chùa, đi mua sắm hoặc đến những miền đất du lịch nổi tiếng ở Luông-Pha-Bang, Sa-van-na-khet, Viêng-Chăn, Văng-Viêng... Nhiều đoàn xuôi về Việt Nam thưởng thức lễ 30 tháng 4 ngày giải phóng miền Nam Việt Nam và dự lễ khai trương mùa du lịch, mà chủ yếu là đến các vùng biển.

Ngây ngất rừng Lan nơi bãi sông Nậm Ngừm. Ảnh: Q.K
 
Ngay ở thủ đô Viêng-Chăn vẫn còn những khu rừng hoang sơ. Trên cánh đồng bằng phẳng ngoại ô là những cây cổ thụ um tùm. Tại các điểm du lịch theo triền các con sông Nậm-Ngừm, Nậm-Sòng, Mê-Kông luôn tấp nập cảnh người thưởng ngoạn, họ vừa giao lưu, vui chơi ca hát vừa thưởng thức các món ăn cổ truyền Lào rồi cùng thả hồn theo dòng nước trên những con thuyền ngược xuôi. Giữa dòng sông mênh mang là tiếng nhạc, tiếng lăm khắp vọng vang. Ông Khăm Hùng là người Lào gốc Việt rất nhiệt tình giới thiệu với Đoàn chúng tôi những địa danh nổi tiếng vùng Viêng-Chăn. Điều mà chúng tôi thích nhất là những nét văn hoá bản sắc Lào vẫn còn giữ nguyên trong các chùa chiền, những sản vật truyền thống còn giữ được rất hiếm nơi. Người dân Lào rất ý thức trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá bản sắc dân tộc mình bằng những điệu lăm khắp, những món hàng mỹ nghệ hay những biểu tượng hoa Chăm-pa, hoa Đọc-Khun.

Chuối - đặc sản đất Lào. Ảnh: Q.K
 
Viêng Chăn những ngày này không chỉ rực lên những pa nô, biểu ngữ của ngày Quốc tế lao động mà còn những hình ảnh của đất nước Chăm-Pa đang hướng về ngày kỷ niệm 450 năm danh xưng thành phố Viêng-Chăn.
Lang Quốc Khánh