(Baonghean) - Trong hành trình “Thanh niên sống đẹp vì cuộc sống cộng đồng” các tỉnh khu vực Miền Trung - Tây nguyên, các đại biểu thanh niên Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã có dịp đến nhà hát Duyệt Thị Đường ở khu Hoàng Thành (Huế)  nghe nhã nhạc cung đình Huế.
 
 Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi khi bước vào nhà hát cổ nhất Việt Nam là sự hoành tráng, trang trọng nhưng không kém phần linh thiêng. Theo lời giới thiệu của các Đoàn viên thanh niên Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế  thì nhà hát Duyệt Thị Đường được xây dựng vào giữa năm Minh Mạng thứ 7 (1826), đến nay đã 177 năm tuổi. Đây là một tòa nhà bằng gỗ, lợp ngói lưu ly, bốn gian hai chái, tọa lạc trong một khuôn viên hình vuông có tường bao quanh. Sân khấu là phần sàn nhà nằm giữa bốn gian, khi diễn thì trải chiếu hoa lên sân khấu. Trần nhà hát được trang trí hình ảnh các vì tinh tú, những đám mây ngũ sắc, vầng trăng khuyết, nền trời xanh rất đẹp, tạo cho người diễn cũng như người xem cảm giác như đang ở ngoài trời. 

763116_small_55262.jpg
 
Anh Nguyễn Quang Tuấn (Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: Trải qua bao thăng trầm lịch sử và những năm tháng, nhà hát bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 1995 đến nay được sự trợ giúp của Chính phủ và các doanh nghiệp Pháp, Duyệt Thị Đường đã được đầu tư trên 10 tỉ đồng để trùng tu. Ngày 1/1-/2003, Duyệt Thị Đường đã chính thức mở cửa đón du khách vào xem Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế biểu diễn các tác phẩm tuồng, âm nhạc và múa cung đình. Cuối năm 2003, nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhà hát Duyệt Thị Đường trở thành điểm đến của công chúng yêu âm nhạc cổ.  Hiện, nhà hát đã sưu tầm và khôi phục 8 trong số 11 điệu múa cổ, 40 bài nhã nhạc và nhiều trích đoạn tuồng cổ, trong đó có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc), Phú lục địch, Kim tiền (Tiểu nhạc)… nhà hát cũng đã sáng tạo, dàn dựng hàng chục tác phẩm mới trên chất liệu cổ, phù hợp với thị hiếu người xem.
 
Mở đầu cho đêm thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế, hai người dẫn chương trình nam, nữ trong trang phục áo dài khăn đóng bước ra sân khấu giới thiệu nội dung với chất giọng ngọt ngào rất Huế. Khán giả lúc thì im phăng phắc, kính cẩn lắng nghe hoà tấu đại nhạc Tam luân cửu chuyển cầu cho quốc thái dân an với kèn trống và bộ gõ, lúc lại thả hồn phiêu diêu theo nhịp điệu trầm bổng vui tươi của các điệu Mã vũ, Du Xuân, các bài Hồ quảng, Bình bán, lúc hân hoan với các điệu múa cung đình Trình trường tập khánh thể, Lục cúng hoa đăng…. 

Giữa các phần biểu diễn, khán thính giả còn được mời thưởng thức trà cung đình và hoa quả thơm mát, tươi ngon. . Từ phong thái biểu diễn của các diễn viên đến thái độ của các nhân viên phục vụ trong nhà hát đều rất nền nã  tạo nên ấn tượng rất riêng của văn hoá cung đình Huế ngày xưa và cũng là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với cố đô Huế ngày nay…
Gia Huy