(Baonghean.vn) - Tháng Năm, về quê Bác, trong nắng gió rì rào, hương sen thơm ngát, thấy lòng như lắng lại, bình yên và thân thương....


Từng có người thanh niên trẻ, do một tai nạn đáng tiếc từ nhỏ, hai chân anh đã không còn. Quê tận Phú Thọ xa xôi, có một ngày, ước mong đau đáu được một lần về thăm quê Bác đã thành hiện thực. Vượt chặng đường xa xôi, khi được cõng, khi ngồi trên xe lăn, anh đã về được “Quê chung”. Phạm Thị Thủy - thuyết minh viên trẻ nhất ở Khu di tích Kim Liên đã không giấu được những giọt nước mắt chực rơi khi kể với tôi về chàng trai trẻ ấy. - “Anh ấy ngồi trên xe lăn và nói với em, cả cuộc đời anh, có lẽ chỉ duy nhất một lần này được về thăm quê Bác, xin em hãy kể cho anh nghe thật nhiều những kỷ niệm về Người...”. Thủy nói, với một niềm xúc động sâu xa, mãnh liệt, cô đã nhìn thấy người thanh niên ấy khóc. Thủy bảo, mỗi ngày thuyết minh cho hàng chục đoàn khách từ khắp nơi trong cả nước cũng như từ nhiều nơi trên thế giới, kỷ niệm nhiều lắm, nhưng cô cứ day dứt mãi về chàng trai ấy, và trong tận thẳm sâu, cô vẫn tin và hy vọng, có một ngày sẽ lại gặp anh trên mảnh đất thân thương này.


775760_small_74879.gif

Thuyết minh viên  Khu di tích Kim Liên xúc động mỗi lần kể về tuổi thơ của Bác Hồ.   Ảnh: Sỹ Minh


Trong những tháng ngày bôn ba tìm đường cứu nước, Làng Sen - Quê hương vẫn luôn hằn sâu trong ký ức của Bác Hồ. Hơn 50 năm xa quê đằng đẵng, Người mới về thăm lại quê hương.

 

Lần thứ nhất, Bác về vào ngày 16/6/1957. Lần đó, quê hương còn nghèo, nhưng Người vui lắm, vì nhân dân đã được tự do. Lãnh đạo tỉnh định bố trí bà con đứng ngoài rào, còn Bác đứng bên trong rào nói chuyện nhưng Bác bảo, Bác thích nói chuyện ở cây đa làng, vậy là một chiếc bục đơn sơ được dựng lên, khoảng cách giữa vị lãnh tụ vĩ đại và người dân gần như không còn nữa. Hơn 50 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, nhưng từng kỷ niệm hạnh phúc, yên bình trong ngôi nhà tranh bé nhỏ chưa bao giờ phai mờ trong tim Bác. Lối ngõ vào nhà xưa không còn, Bác vẫn nhớ “Cổng nhà Bác ở đằng kia...”. Xa quê từ năm 16 tuổi, “đi khắp cuộc đời mới được về thăm quê”, khi về ngôi nhà do ông bà ngoại làm cho, nơi ghi dấu kỷ niệm những tháng ngày thơ ấu, bằng bàn tay run run của một cụ già gần 70 tuổi, Bác lần sờ bốn mép của chiếc rương gỗ, xúc động, rưng rưng “cái rương gỗ ngày xưa vẫn còn, các cô các chú khéo giữ thật...”. Chính tại chiếc rương gỗ đơn sơ này, Bác đã vịn tay vào, lần những bước đi chập chững đầu tiên, để sau đó là những bước chân bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước. Bên chiếc khung cửi ngày xưa, những lời ru con da diết của Người Mẹ Làng Sen đã nuôi dưỡng trong Người những mầm xanh đầu tiên về tình yêu quê hương đất nước, đi theo Người suốt cả cuộc đời, để sau này, giữa những tháng ngày sống xa quê đằng đẵng, một đêm, tình cờ nghe một lời hát ru con trên đất Thái Lan, Bác đã day dứt viết những vần thơ nhớ mẹ “xa nhà chốc mấy mươi niên, đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con...”



 

                 Đoàn CB, PV Báo Nghệ An về Quê Bác - Ảnh: Minh Quang

Trong những người về thăm quê Bác, có rất nhiều cụ già tần ngần đi trong gian nhà tre nhỏ bé, tần ngần sờ vào từng đồ vật đơn sơ, lặng lẽ lau nước mắt. Mái nhà Bác đây - nơi Bác sống những năm thời niên thiếu, bình dị và quen thuộc như bất cứ một ngôi nhà trên mọi miền quê đất Việt, nhưng đơn sơ và bình dị quá....

 

Trong cái nắng tháng Năm gay gắt của miền quê xứ Nghệ, cựu chiến binh Phạm Ngọc Ánh (Gia Lai) không dấu được những giọt nước mắt xúc động khi được nghe kể về những ngày Bác sống ở Làng Sen quê ngoại. Ngày Người mất, bác Ánh đang học lớp 8. Ông nhớ lại “Hôm đó, học sinh được nghỉ học, tham gia vào lễ tưởng niệm Người do địa phương và nhà trường tổ chức. Mọi nhà đều để tang Bác, ai cũng khóc”. Trong tâm hồn thơ bé của cậu học sinh lớp 8, dù chưa một lần được gặp Bác Hồ, đã có một sự mất mát lớn lao... Ông tâm sự: Đây là lần thứ 2 được về thăm quê Bác. Lần nào cũng vậy, chỉ cần đến đoạn rẽ vào làng Sen là đã bồi hồi, cảm giác thân quen như được về thăm cha mình vậy... Có thể nói, đó cũng là tâm trạng chung của những con dân Việt. Cũng bởi vậy, bất cứ ai, khi đến đây, cũng đều dùng một từ “về”...

 

Trong hành trang của những thuyết minh viên làm việc tại quê nội và quê ngoại Bác Hồ, dù là người đã có ‘thâm niên” hàng chục năm như chị Đảm, chị Thao, hay những người mới vài năm như Thủy, tất thảy đều có những kỷ niệm vô cùng quý giá. Trong ký ức của mình, hướng dẫn viên Kim Chi không bao giờ quên một người đàn ông, khi về thăm quê Bác, trong tay cứ ôm khư khư một chiếc ba lô. Hỏi mãi, ông mới chia sẻ, trong ba lô này là hài cốt của con trai ông. Bao năm tìm kiếm, ông mới tìm lại được mộ con trai mình ở chiến trường Quảng Trị. Ngày đưa anh về quê mẹ, ông tìm thấy, trong những di vật của con mình còn giữ được một lá thư, anh khoe với bố mẹ về niềm vui sướng khi được cùng đơn vị về thăm nhà Bác trên đường ra mặt trận: “Con thật hạnh phúc khi được đến tận nhà Bác Hồ. Nhất định khi hòa bình con sẽ quay lại đây lần nữa, mời bố mẹ cùng đi...”. Và hôm nay, bằng bước chân của một người cha già, ông cùng anh về đây, thay con thực hiện tâm nguyện cuối trước khi đưa anh về quê hương yên nghỉ.

 



     Tháng Năm - về quê Bác, lòng như lắng lại, bình yên và thân thương.... 
                          Anh: Phú Hương

“Cháu là học sinh giỏi mấy năm liền, nhưng đến bây giờ mới được về thăm quê Bác. Cháu hứa sẽ tiếp tục học giỏi, để được thêm nhiều lần về đây, được nghe kể những câu chuyện thật hay, thật xúc động về Bác Hồ”. Lời tâm sự, lời hứa hồn nhiên của em Nguyễn Văn Sơn - học sinh lớp 7B, Trường THCS xã Hội Sơn (Anh Sơn) trong một buổi sáng tháng Năm trước bàn thờ Bác, làm tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình, nhớ lại những khát khao, ao ước mỗi lần nhìn thấy một chiếc xe ca, trên đó có căng dòng chữ “Đoàn về thăm quê Bác”, và trong xe, đầy những gương mặt con trẻ tự hào và kiêu hãnh....


Phú Hương