(Baonghean) Dân ca ra đời từ rất sớm và trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Dân ca như tấm gương phản chiếu muôn mặt của cuộc sống, bộc lộ và diễn đạt mọi cung bậc tình cảm, tâm hồn, khát vọng của nhân dân. Dân ca thể hiện đậm đà tính dân tộc, tính nhân dân, tính hiện thực, tính nhân văn. Vì thế, việc bảo tồn, duy trì và phát triển các giá trị của dân ca là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập toàn diện, cũng như khá nhiều bộ môn nghệ thuật cổ truyền khác, có lẽ chưa bao giờ việc duy trì và phát triển dân ca trong cộng đồng, nhất là đối với những người trẻ tuổi, lại đứng trước những khó khăn, thách thức như ngày nay.
Thái độ bàng quan, thờ ơ, ít quan tâm của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng đối với dân ca là điều mà báo chí, dư luận đã nhiều lần nói đến, và đó luôn là mối quan tâm của những người có trách nhiệm. Các nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến bạn trẻ lạnh nhạt với dân ca dù được phân tích thấu đáo, cặn kẽ, những giải pháp có tính tức thời hoặc lâu dài cũng đã được đưa ra, song nhìn chung tình hình vẫn khó cải thiện. Đầu làng cuối ngõ đã thưa dần và tắt lặng các lời ru.
Những đêm sáng trăng trên ruộng đồng, sông nước nơi đầu làng cuối xóm biết tìm đâu ra những câu hò, điệu lý. Không gian những dịp hội hè, đình đám… cả ở miền ngược, vùng sâu, vùng xa đều ầm ĩ những nhạc Tây, nhạc Tàu, nhạc trẻ. Và chuyện giao duyên, tỏ tình, làm quen, trao gửi tâm tư tình cảm… trong tình yêu, tình bạn, đều được thực hiện bằng những tin nhắn đơn giản qua Vinaphone, Viettel, gmail, yahoo, facebook,… Những truyền hình cáp, kỹ thuật số, tín hiệu vệ tinh… phủ đầy các trang thông tin, phim truyện, âm nhạc, giải trí. Nhà nhà Internet. Người người mobil phone, head phone. Không gian diễn xướng dân ca, môi trường sinh họat dân ca do đó bị lấn chiếm gần như toàn phần và nhu cầu thưởng thức dân ca cũng vì thế mà có nguy cơ bị khô cạn.
Các bạn trẻ lớn lên và bắt gặp cảnh các nhà hát, rạp hát dân ca chuyển thành địa điểm để chiếu phim, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, thậm chí có nơi chỉ đơn thuần là nhà tập Aerobic. Những người trẻ tuổi cũng không còn cảm thấy ngạc nhiên khi những nghệ sĩ dân ca chuyên nghiệp phải chuyển sang dạy khiêu vũ, đi hát nhạc trẻ phục vụ đám cưới, liên hoan, phòng trà, quán cà phê. Thậm chí có người chuyển sang hành nghề thầy cúng, tham gia phường bát âm…
Dĩ nhiên đó còn là những phạm vi khá gần. Không ít người chuyển hẳn nghề sang làm nghề khác, hoàn toàn mới lạ và ít liên quan. Để rồi, phần lớn những người ở lại, còn gắn bó với sự nghiệp biểu diễn, hát dân ca chuyên nghiệp, bây giờ cũng đã già, hoặc chí ít là cũng luống tuổi – độ tuổi ngại thay đổi và cũng ít cơ hội để đổi thay. Việc chuyển đổi loại hình các đoàn dân ca chuyên nghiệp thành các trung tâm bảo tồn, thành các đoàn nghệ thuật miền núi, càng làm tăng thêm cảm giác bẽ bàng, nhân lên nỗi mơ hồ lo lắng của không khí chợ chiều đối với hoạt động dân ca chuyên nghiệp ở các vùng, các tỉnh.
Trong bối cảnh đó, các hoạt động dạy hát dân ca qua đài phát thanh, truyền hình, đưa chương trình tìm hiểu và hát dân ca vào chương trình phổ thông… là những nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên chỉ là ghi nhận ở mức độ đã rung lên những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mai một của dân ca. Vậy nên các chương trình đó cũng chỉ được các bạn trẻ đón nhận ở mức độ như là những lần phát tín hiện kêu cứu, là những lần cứu thương, “hồi sức” cho dân ca. Dẫu sao các hoạt động đó cũng làm cho người ta nhớ về các làn điệu dân ca, hay chí ít cũng là biết đến tên gọi của các vùng miền dân ca, như: hát quan họ ở Hà Bắc, hát xoan ở Phú Thọ, hò sông Mã của Thanh Hóa, ví, dặm của Nghệ Tĩnh, hò mái nhì, mái đẩy của Thừa Thiên – Huế, các điệu lý ở vùng Nam bộ,…
Thế là chẳng những nguồn “cung” dân ca cho các bạn trẻ bị cạn dần, mà hình ảnh ảm đạm của hoạt động dân ca chuyên nghiệp cũng rất dễ gợi dẫn đến những cách suy nghĩ thiên lệch, chưa đúng tầm giá trị đích thực vốn có và xứng đáng có được của dân ca.
Gần đây, người ta chưa kịp vui mừng vì hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì đã phát khùng khi các chương trình quảng bá hình ảnh hát xoan đã đăng các nội dung hát xoan bị cải biên, bị “chế” nhạc và “chèo” hóa động tác biểu diễn. Đây không phải là vấn đề dị bản, càng không phải là đã diễn ra quá trình tiếp biến, mà đơn giản chỉ là do không có đội hát xoan chuyên nghiệp nên phải đưa đoàn chèo đi hát xoan và đã xảy ra chuyện bi hài như vậy. Thậm chí trong một lớp dạy hát xoan, một cô giáo đã tự ý “cấy” nhạc vào cho dễ nghe.
Vậy là, làm thế nào để bạn trẻ tiếp cận được những tinh hoa của dân ca, làm thế nào để giới thiệu và làm cho bạn trẻ cảm nhận được vẻ đẹp nguyên bản của dân ca cổ truyền, cũng là một câu chuyện không đơn giản. Nếu bạn trẻ không được tiếp thu những tinh túy, những áng, khúc, đoạn dân ca cổ truyền đặc sắc, mà chỉ được tiếp cận qua những bài dân ca cải biên với lời lẽ ngô nghê, dễ dãi, vụng về… thì đó chẳng khác gì đang phá hoại hình ảnh của dân ca, vẻ đẹp của dân ca.
Xứ Nghệ tự hào có được kho tàng dân ca, ví, dặm vô cùng phong phú, độc đáo. Việc UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan dân ca, ví, dặm xứ Nghệ 2012 vào tháng 6 tới là rất cần thiết.
Tuy nhiên, trước khi hướng tới việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận dân ca, ví, dặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cần đề cao việc giáo dục thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị vốn có và giá trị tiêu biểu của các thể hát và trò diễn xướng dân, ca ví, dặm xứ Nghệ. Tổ chức được Liên hoan dân ca, ví, dặm xứ Nghệ là rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu Liên hoan này thu hút được nhiều bạn trẻ vào cuộc để đảm bảo được tính kế thừa, tiếp nối giữa các thế hệ yêu dân ca, ví, dặm xứ Nghệ. Hy vọng Liên hoan sẽ được tổ chức có chất lượng, và nếu được duy trì đều đặn, hợp lý… thì đó cũng là một cách để góp phần lấp dần những khoảng trống về dân ca, ví, dặm trong lớp trẻ xứ Nghệ ngày nay.