“Hôm nay, kể cả khi tôi đang ngồi đây, thì ê kíp của tôi, các ê kíp của Bộ Ngoại giao đang ở thực địa, làm việc để thuyết phục Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ, rằng cuộc xâm lược này là không phù hợp”, Pompeo nói.
Khi được hỏi lý do chính xác tại sao Mỹ đã rút các lực lượng khỏi Syria, ông Pompeo nói: “Đêm 6/10, rõ ràng là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sắp sửa tiến vào. Chúng tôi chỉ có chưa đầy 60 người ở khu vực đó. Họ không thể ở lại và bảo vệ mình an toàn. Tổng thống Trump đã quyết định đưa họ rời khỏi không gian đó khoảng 20-30 km”, ông giải thích.
“Chúng tôi đã hợp tác với người Kurd, Mỹ hợp tác với người Kurd không chỉ tại Syria, mà cả khắp Trung Đông, trong một thời gian rất dài. Họ là những đối tác tốt của chúng tôi tại những địa điểm ấy, và tôi rất tin tưởng rằng chính quyền này sẽ tiếp tục ủng hộ những người là bằng hữu tốt của nước Mỹ”, ông nói thêm.
“Chúng tôi đang thuyết phục họ rằng việc tiến vào Syria theo cách này, đe dọa mạng sống của người Kurd và những người khác trong khu vực - bao gồm người Công giáo và các dân tộc thiểu số cùng các cộng đồng tôn giáo khác - là một ý tưởng tồi tệ”. “Chúng tôi đang sử dụng mọi công cụ kinh tế và ngoại giao để thuyết phục họ ngừng hoạt động".
Hôm 7/10, Ankara thông báo phát động chiến dịch Mùa Xuân Hòa bình tại miền Bắc Syria, bắt đầu với các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của người Kurd.
Mục tiêu của chiến dịch này là nhằm tạo một vùng đệm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà theo Ankara thì người di cư Syria trú ngụ tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể hồi hương. Hãng thông tấn SANA của Syria đã chỉ trích chiến dịch này là hành vi gây hấn. Cộng đồng quốc tế cũng lên án các hành động của Ankara.