istanbul_22099121_2462019.jpgMột góc thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Kết quả này như tiếp thêm sinh lực cho phe đối lập, trong khi dự báo một tương lai bất ổn với chính đảng cầm quyền của Tổng thống Tayyif Erdoğan.

Bài trắc nghiệm về lòng dân

Cách đây 3 tháng, ông Imamoglu giành chiến thắng bất ngờ đầy sít sao trong cuộc đua giành chức Thị trưởng Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, kết quả này không được đảng cầm quyền AKP (do ông Erdoğan lãnh đạo) công nhận vì cáo buộc có nhiều vi phạm trong quá trình bầu cử. Cuộc bầu cử được tổ chức lại, và lần này, thay vì một chiến thắng sít sao, ứng viên đối lập Imamoglu giành chiến thắng áp đảo, với 54% số phiếu bầu, bỏ xa ứng viên Binali Yildrim của đảng AKP khoảng 800.000 phiếu (cách biệt trong cuộc bầu cử hồi tháng 3 chỉ là 13.000 phiếu).

Ông Ekrem Imamoglu giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Thị trưởng Istanbul. Ảnh: Reuters
Chiến thắng đầy thuyết phục trong cuộc bầu cử này buộc AKP phải công nhận. Như vậy, sau 25 năm nắm quyền tại khu vực đô thị trọng điểm này, AKP lần đầu tiên phải nhường chỗ cho đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập.

Mặc dù đây chỉ là một cuộc bầu cử địa phương nhưng có thể nói sự kiện này có tầm quan trọng mang tính toàn quốc. Istanbul là thành phố năng động với gần 16 triệu dân, là thủ phủ kinh tế và văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 1/3 toàn bộ nền kinh tế nước này.

“Bất cứ ai kiểm soát Istanbul cũng sẽ kiểm soát được Thổ Nhĩ Kỳ”. 

Tổng thống Erdogan

Tính chiến lược của thành phố này nằm ngay trong tuyên bố của Tổng thống Erdoğan: “Bất cứ ai kiểm soát Istanbul cũng sẽ kiểm soát được Thổ Nhĩ Kỳ”. Chính vì thế, thất bại trong cả hai lần bầu cử chức thị trưởng thành phố này không chỉ là cú đòn giáng mạnh vào Đảng AKP cầm quyền mà còn là cú “sốc” lớn với bản thân ông Erdoğan.

Ngoài vị trí và vai trò trọng điểm, Istanbul cũng mang nhiều ý nghĩa với cá nhân ông Erdoğan. Đây là quê hương ông và là thành phố nơi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Năm 1994, ông Erdoğan trở thành thị trưởng Istanbul và dấu mốc này cũng là “bệ phóng” đưa ông tới đỉnh cao quyền lực.

Người ủng hộ ông Imamoglu đổ ra đường phố Istanbul. Ảnh: CNN
Các cuộc bầu cử địa phương lâu nay luôn là đại diện cho tiếng nói của tầng lớp lao động tại Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc bầu thị trưởng Istanbul vừa qua được coi là một bài trắc nghiệm về tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với Tổng thống Erdoğan cũng như đảng chính trị của ông trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng như hiện nay. Sự lựa chọn ngả sang đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập cho thấy, cử tri Istanbul đã bắt đầu “quay lưng” với ông Erdoğan để đã đặt niềm tin vào lời cam kết của thị trưởng mới đắc cử Ekrem Imamoglu về một sự “thay đổi, hy vọng, và một khởi đầu mới”.

Với Đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa, từ lâu đã muốn đối trọng với quyền lực Tổng thống của ông Erdoğan. Họ đã đợi 25 năm để có thể kiểm soát thành phố Istanbul và cuối cùng đã thành công. Sau chiến thắng của ứng cử viên Imamoglu tại Istanbul, đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng đối với chiến lược của đảng đối lập trong thời gian tới.

Dấu hiệu thay đổi

Bầu cử địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ thường không gây chú ý với quốc tế nhưng đến năm 2019 sự kiện này lại trở thành đề tài được quan tâm vì thất bại của đảng AKP. Trước khi nhận thất bại ở Istanbul, đảng AKP cầm quyền cũng để thua đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa trong cuộc bầu cử địa phương ở Ankara. Đó cũng là lần đầu tiên trong 25 năm AKP đón nhận kết quả thất bại tại thủ đô.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đối mặt với nhiều thách thức chính trị sau bầu cử địa phương. Ảnh: Getty
Cho đến nay, tính cả Istanbul, đảng AKP đã tuột khỏi tay 8/12 thành phố chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả này được coi là “cơn địa chấn” trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ kể từ cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Đây cũng là thách thức bầu cử nghiêm trọng nhất mà đảng AKP của Tổng thống Erdoğan phải đối mặt trong nhiều năm.

Kết quả này đã gửi một cảnh báo nghiêm khắc rằng AKP không phải là “bất khả chiến bại”. Ông Erdoğan đã gây dựng tầm ảnh hưởng lên chính trường Thổ Nhĩ trong suốt 16 năm cầm quyền nhưng tầm ảnh hưởng này không phải “mãi mãi”.

Có nhiều lý do dẫn đến việc đảng AKP “thất thế” nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng lún sâu vào suy thoái kinh tế rõ ràng là nguyên nhân lớn nhất tác động mạnh đến sự lựa chọn của cử tri nước này. Sau nhiều năm tăng trưởng ấn tượng, từ năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ sa lầy vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 10%. Ngoài ra, đồng lira mất tới 28% giá trị trong năm 2018 và tiếp tục theo đà đi xuống. Không những vậy trong những tháng gần đây lạm phát đã đạt tới 20%. Đó là chưa kể sự bất mãn trong xã hội luôn âm ỉ thường trực kể từ sau cuộc đảo chính quân sự thất thành vào năm 2016. Sau vụ chính biến này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn ở trong tình trạng khẩn cấp. Chính phủ của Tổng thống Erdoğan bị chỉ trích vì đã mạnh tay trấn áp phe đối lập, tăng cường thanh trừng và sàng lọc phần tử âm mưu chống đối trong hàng ngũ quân đội cũng như siết chặt kiểm soát báo chí.

Trong bối cảnh như vậy, phe đối lập đã nắm bắt thời cơ đưa ra những thông điệp đầy hy vọng trong các chiến dịch tranh cử. Thị trưởng Istanbul vừa đắc cử Imamoglu được đặt nhiều kỳ vọng sẽ thổi “luồng gió mới” vào nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ với thái độ bình tĩnh và đưa ra nhiều giải pháp thay đổi mà người dân chưa từng thấy trong một thời gian dài. Với tư cách là một chính trị gia thế hệ mới, ông Imamoglu còn được đánh giá sẽ là một ứng cử viên tiềm năng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2023.

Thủ đô Istanbul. Minh họa Google Maps
Mặc dù vẫn còn quá sớm để dự báo về những gì có thể xảy ra tiếp theo trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, song, kết quả các cuộc bầu cử địa phương vừa qua với chiến thắng nghiêng về đảng đối lập cho thấy, đây sẽ là khởi đầu cho một sự thay đổi trên chính trường nước này. Trước mắt, thách thức và gánh nặng đặt lên Tổng thống Erdoğan và Đảng của ông là tìm cách lấy lại uy tín và sự ủng hộ của người dân. Nói cách khác, các cuộc bầu cử vừa qua là hồi chuông cảnh báo, buộc chính phủ của ông Erdoğan phải thay đổi từ chính sách kinh tế, an ninh, việc đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Thậm chí, ông Erdoğan cũng sẽ phải điều chỉnh cả chính sách đối ngoại, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ chịu các lệnh trừng phạt về kinh tế. Nhưng dù thế nào, ông Erdoğan sẽ phải thỏa hiệp nhiều hơn trong bối cảnh phe đối lập đang “chuyển mình”.