Đồng chí Nguyễn Văn Lư - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Vinh:

"Xây dựng thành phố Vinh thành đô thị thông minh, đầu tàu tăng trưởng"

Thành phố Vinh là đô thị loại I, có vị trí địa kinh tế quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An. Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế thành phố phát triển khá toàn diện với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 8,62%; đóng góp kinh tế thành phố vào ngân sách tỉnh luôn chiếm tỷ trọng lớn với 30%.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển thành phố theo hướng hiện đại, văn minh, giàu mạnh, sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ, thành phố xác định ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển sớm trở thành đô thị thông minh, đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới, sáng tạo. Đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ đã được định hướng tại Thông báo số 55-TB/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 827/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

nguyen_van_lu__quoter1456875_17102020.png

Thành phố xác định phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại kinh tế thành phố, phát triển đồng bộ và tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa; tích cực thúc đẩy, tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi liên kết giá trị trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Thành phố tập trung cao cho công tác thu hút đầu tư, nhất là tăng cường mối quan hệ đối ngoại để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư phát triển kinh tế, sản xuất, dịch vụ, công nghệ cao… để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế bền vững hơn.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế, xã hội, trong đó, ưu tiên hạ tầng về dịch vụ, thương mại, du lịch, hạ tầng thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông trọng điểm; cải tạo, chỉnh trang đô thị và phòng, chống ngập úng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, chuyên nghiệp, hiện đại, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Để xứng tầm với vai trò đầu tàu tăng trưởng của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ, thành phố Vinh cần có đủ nguồn lực và dư địa để phát triển. Tại diễn đàn trọng thể này, thành phố đề nghị tỉnh quan tâm sớm thực hiện lộ trình mở rộng địa giới hành chính theo Quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 tại Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sớm phân cấp và có cơ chế đặc thù tạo động lực cho sự phát triển của thành phố.

Một góc thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Đối với nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, thành phố đã lựa chọn đây là 1  trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ này. Theo đó, thành phố sẽ thí điểm trung tâm điều hành thông minh với một số dịch vụ cơ bản như: dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát, điều hành giao thông; dịch vụ an ninh, trật tự đô thị...

Đẩy mạnh triển khai xây dựng chính quyền số. Lựa chọn và triển khai một số ứng dụng thông minh ưu tiên trong các lĩnh vực có thế mạnh của thành phố Vinh như du lịch và các vấn đề ưu tiên liên quan đến cuộc sống của người dân đô thị (y tế, giáo dục, quản lý quy hoạch đô thị, số hóa dữ liệu quản lý đất đai...).

Để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố rất mong Chính phủ quan tâm bổ sung thành phố Vinh vào danh mục các tỉnh, thành được triển khai thí điểm xây dựng đô thị thông minh đến năm 2030. Đồng thời, mong muốn tỉnh quan tâm, cụ thể hóa nguồn đầu tư và giao thẩm quyền trách nhiệm cho thành phố trong thực hiện Đề án thí điểm xây dựng đô thị thông minh.

Đồng chí Chu Bá Long - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh:

“Học Bác hoài bão, khát vọng với niềm tin tất thắng” 

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trước hết mỗi chúng ta phải học Bác hoài bão, khát vọng với niềm tin tất thắng. Bởi chính khát vọng cháy bỏng về một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành đã là hành trang, là động lực thôi thúc Hồ Chí Minh dấn thân và hành động cách mạng một cách tự giác, tự nhiên.

Tôi đồng tình cao việc chúng ta đưa “khát vọng vươn lên” là một trong những thành tố quan trọng trong chủ đề của Đại hội lần này. Và mong muốn chúng ta có các giải pháp để chuyển tải ý chí, khát vọng trong các cấp, các ngành, các địa phương; bắt đầu từ các đại biểu dự Đại hội.

Chúng ta cần học Bác ở tư duy hành động, thiết thực, hiệu quả; học tập tinh thần làm việc độc lập, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Như vậy, học tập và làm theo Bác sẽ không chung chung, hình thức mà phải bằng những việc làm, sản phẩm cụ thể trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Muốn làm được như vậy, trước hết mỗi tập thể, cá nhân cần phải bám sát chức năng, nhiệm vụ để đăng ký nội dung học tập và làm theo Bác cho phù hợp; đồng thời cần phải xây dựng tiêu chí đánh giá dựa trên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực và từng cán bộ, đảng viên trên cơ sở vị trí việc làm. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trước hết là phải triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; phải chuyển động cả hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp”; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành đạo đức công vụ, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên từng địa bàn liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình.

Tranh cổ động. Nguồn: hvcsnd.edu.vn

Những biểu hiện chạy theo thành tích, phô trương, hình thức gây sự lãng phí, tốn kém mà hiện nay một số cơ quan, đơn vị, một số cá nhân đang mắc phải là đi ngược lại tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác cần phải được loại bỏ bằng các chế tài, các quy định cụ thể và bằng một quyết tâm lớn. Tôi bày tỏ sự đồng tình cao trước chủ trương của BTV, BCH Đảng bộ tỉnh về thực hành tiết kiệm, không phô trương, hình thức; tối giản trong các khâu trang hoàng, trang trí, không tiếp nhận hoa chúc mừng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân (trừ lẵng hoa của Bộ Chính trị), không văn nghệ chào mừng... tại Đại hội lần này. Đó là những thay đổi tích cực ngay trước thềm nhiệm kỳ mới được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với trách nhiệm nêu gương theo Quy định 08 và các Quy định nêu gương của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về xây dựng Đảng...  

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn:
"
Tập trung nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới"
 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Xây dựng Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, từ nay đến năm 2025",  phải tập trung nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng NTM trên địa bàn huyện, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội qua hoạt động du lịch, dịch vụ. Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định để xây dựng NTM kiểu mẫu thành công, huyện tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Phát huy vai trò, trách nhiệm, có quyết tâm chính trị cao từ cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát. Tạo được sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cả trong nhận thức, hành động và trách nhiệm.

Phát huy sức dân, phát huy vai trò của nhân dân - chủ thể quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Phải làm cho người dân hiểu đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, mục đích của công cuộc xây dựng nông thôn mới và vai trò quan trọng của người dân khi tham gia, quyết định quan trọng trong sự thành công của công cuộc này, để người dân luôn tự ý thức rằng, xây dựng NTM kiểu mẫu là việc làm của mình, cho mình, cho cộng đồng nơi mình sinh sống và cho quê hương.

Công tác tuyên truyền cần được tổ chức một cách mạnh mẽ hơn, trên mọi phương diện, đến từng đối tượng, từ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên cho đến người dân, nhất là khi công cuộc xây dựng NTM bước sang chặng mới cao hơn, nhiều khó khăn hơn, đòi hỏi phải nỗ lực mạnh mẽ. Phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, vận động đoàn viên, hội viên và các  tầng lớp nhân dân, nhất là các tổ tự quản tại cộng đồng dân cư chung sức, đồng lòng, tích cực, tự giác xây dựng NTM.

Tuyến đường mẫu nông thôn mới tại xóm Sen 3, xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải

Tranh thủ huy động, vận động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng từ huyện đến cơ sở theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa và du lịch, kết nối các điểm di tích để hình thành các tour, tuyến du lịch. Quy hoạch và thu hút đầu tư một số dự án các chủ nhà hàng ẩm thực để đáp ứng dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho khách du lịch…