(Baonghean.vn) - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, trong những năm qua, đội ngũ thầy thuốc ở Nghệ An bằng tình cảm, nhiệt huyết, tinh thần tận tụy để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Thầm lặng cứu người, có những y bác sỹ đã dành thời gian để không ngừng trau dồi kiến thức, nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài, sáng kiến mang tính thực tiễn; với tấm lòng và nhiệt huyết, có những y bác sỹ đã phục vụ nhân dân  “vô tư và thân thiết”… 
 
Năm 2012, trong số 2.880 ca phẫu thuật mà Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh thực hiện thì có khoảng trên dưới 200 ca mổ được thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện thực hiện. Với 15 năm công tác của mình, chính bản thân bác sỹ ngoại khoa này cũng không thể nhớ mình đã bao lần cầm dao mổ để cứu người. Công tác chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh cũng như việc học tập, nghiên cứu cứ cuốn anh đi.
 
Được bổ nhiệm trưởng khoa ngoại từ năm 2007 rồi phó giám đốc bệnh viện vào năm 2009, dẫu thêm vào công tác quản lý nhưng việc làm hàng ngày của bác sỹ Trường vẫn gần như không thay đổi – phòng mổ, nghiên cứu, rảnh được chút nào lại đào tạo hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho bác sỹ trẻ cũng như là đến thăm khám, dặn dò, bệnh nhân. Ở Bệnh viện Đa khoa Thành phố, bác sỹ Trường hiện được coi là chủ chòm nhóm phẩu thuật, đặc biệt là phẫu thuật nội soi.… Chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, thường trú ở phường Bến Thủy, Thành phố Vinh) đang điều trị tại khoa ngoại, cho hay: “Chị bị tai nạn giao thông trong dịp tết, nhập viện, được bác sỹ Trường mổ, đến nay sức khỏe đã tốt dần. Những ngày điều trị ở đây, hằng ngày chị và những bệnh nhân đều được bác sỹ Trường đến thăm hỏi, dặn dò chu đáo tỷ mỉ việc uống thuốc cũng như hướng dẫn những động tác vận động có lợi, cách rèn luyện sức khỏe sau khi xuất viện…”

790448_small_91519.jpg

Bác sỹ Nguyễn Hồng Trường hướng dẫn cách vận động để bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân
 
Với bác sỹ Trường, việc hỏi chuyện, tâm tình có tác động tích cực, đem lại hiệu quả tốt giúp người bệnh mau lành. Tâm lý bệnh nhân ổn định, lạc quan thì cơ thể cũng sản sinh ra những tế bào khỏe mạnh. Song điều quan trọng hơn đối với một người thầy thuốc đó là ý chí quyết tâm chiến thắng bệnh tật để cứu người. Và để làm được điều đó không có con đường nào khác, mỗi người thầy thuốc phải không ngừng học tập, tìm tòi. Học thầy, học đồng nghiệp và học ở mỗi ca bệnh, rồi tự đúc rút kinh nghiệm cho mình. Bác sỹ Nguyễn Hồng Trường chia sẻ: Y đức không chỉ là lời nói hay, cử chỉ đẹp; ngoài tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân đối với người bệnh, gia đình người bệnh, đồng nghiệp mà còn đó kiến thức chuyên môn; yêu cầu mỗi y bác sỹ không ngừng học tập mỗi lúc mỗi nơi, đặc biệt là cần đi tiên phong trong việc tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Bởi vậy y đức yêu cầu cả chuyên môn giỏi lẫn tinh thần vì người bệnh. Bản thân tôi quan niệm như vậy để phấn đấu, rèn luyện từ đó phục vụ nhân dân…
 
Lặng lẽ giúp đời - Bác sỹ Nguyễn Hoàng Cát, Phó giám đốc Trung tâm Huyết học – Truyền máu tỉnh Nghệ An là một con người như vậy. Ở ông, người ta nhận thấy một thầy thuốc say mê nghiên cứu khoa học, tinh thần lao động, sáng tạo không ngừng, với mong muốn tột bậc là chữa bệnh cứu người. Hơn 30 năm hành nghề y thì cũng gần chừng ấy năm ông theo đuổi chuyên khoa Huyết học - Truyền máu. Và từ năm 1996 đến nay, bác sỹ đã có 10 công trình khoa học cấp cơ sở được giới chuyên môn đánh giá cao. Phần lớn các đề tài trên sau khi đưa vào áp dụng trong thực tế đã góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị các bệnh về máu, nhất là tiết kiệm được hoá chất, vật tư. Nổi bật là: “Tình hình xét nghiệm sàng lọc người cho máu ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An”, “Cung cấp đủ máu có chất lượng - một nhu cầu cấp thiết”, “Đánh giá hiệu quả điểm tư vấn sức khỏe và hiến máu cố định tại Đại học Vinh”, “Tình hình thu gom máu tại Nghệ An”, “ Hoá học tế bào trong chuẩn đoán bệnh bạch cầu cấp” và “Sàng lọc kháng thể bất thường”… Tất cả các công trình nói trên đều mang lại hiệu quả tích cực trong việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hiện tại ông đang thực hiện đề tài “Đánh giá thực trạng, từng bước nâng cao chất lượng an toàn truyền máu cho người bệnh tại Nghệ An” - đề tài tập trung đi sâu vào các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng máu và chế phẩm máu để giảm các tai biến sớm hoặc muộn do truyền máu có mầm bệnh hay phản ứng miễn dịch.



Bác sỹ Nguyễn Hoàng Cát,Phó giám đốc Trung tâm Huyết học – Truyền máu tỉnh Nghệ An
 
Bác sỹ Nguyễn Hoàng Cát tâm tình: “Với công tác xét nghiệm máu tôi thấy rất tâm huyết và say mê, bởi vì máu là nguồn sống của người bệnh trong lúc nguy kịch nhất. Quyên góp, tích trữ từng giọt máu, đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu các bệnh liên quan đến máu để có thể cứu sống tính mạng của người bệnh là niềm hạnh phúc, tự hào của những người thầy thuốc”… Nói về Thầy thuốc Ưu tú, “Gương sáng ngành y” năm 2012 – Bác sỹ Nguyễn Hoàng Cát, các đồng nghiệp của ông đều cho rằng: Nét nổi bật ở bác sỹ Cát là tinh thần dám nghĩ dám làm, sáng tạo và mạnh dạn cho áp dụng những kỹ thuật cao và đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về máu, ung thư, hô hấp, tiêu hóa, đặc biệt là các chế phẩm về máu; ông là người nhiệt tình, tâm huyết với công việc, luôn khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ; thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức; tận tình cứu chữa bệnh nhân; tích cực phấn đấu vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Và bên cạnh đó là quan tâm đến việc đào tạo cán bộ trẻ để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
 
Đã từng khoác lên mình chiếc áo blouse trắng thì cũng lúc nào nghĩ đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân – có rất nhiều y bác sỹ trong tỉnh sau khi nghỉ chế độ hưu về địa phương lại tích cực làm nhân viên y tế thôn, bản, khối xóm. Họ tình nguyện trở thành những cánh tay nối dài của y tế cơ sở mà không hề nhận lấy một phụ cấp hay bồi dưỡng nào. 20 năm sau khi rời cương vị lãnh đạo tại Trung tâm Phòng chống sốt rét Nghệ An, bác sỹ Nguyễn Quế Triêm về nghỉ chế độ ở Khối 5, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh – là chừng ấy thời gian ông tham gia Hội Chữ thập đỏ phường, sinh hoạt ở nhóm những cựu y bác sỹ. Làm công tác nhân đạo, ông thường xuyên thăm hỏi, thăm khám cho những người tàn tật, già cả neo đơn ở địa phương. Ngôi nhà ông ở đã trở thành địa điểm sơ cứu những người không may bị tai nạn trên địa bàn (trong khi chờ xe cấp cứu) hoặc là nơi người dân đến nhờ tư vấn sức khỏe. Bác sỹ Nguyễn Quế Triêm hăng hái tham gia những đợt vận động các gia đình trong khối phố giữ gìn vệ sinh, vận động người dân tiêm chủng, phòng chống suy dinh dưỡng.
 
Tương tự là người Cựu quân y Thái Khắc Như, ở khối 7, Thị trấn Tân Kỳ - ông đã có 10 năm làm công tác y tế thôn bản; luôn nhiệt tình, hăng say, kiên trì với công việc thầm lặng, cựu quân y Thái Khắc Như đã có những đóng góp tích cực trong việc truyền các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, cách phòng chống bệnh, nâng cao sức khỏe cho nhân dân…
 
Ở tỉnh Nghệ An, có thể thấy rất nhiều thầy thuốc cao quý như thế, họ đã và đang nỗ lực từng ngày trong từng hành động nhỏ “chỉ vì lợi ích của người bệnh…” và để được “hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người…” (trích lời thề Hypocrat)./.


Thành Chung – Thu Hiền