(Baonghean) -Đó là chị Lê Thị Nga, sinh năm 1969, ở bản Tằn 2, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu. Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Thái, cha mẹ đều làm nghề nông, nên chị sớm nhận thức được rằng mình phải làm điều gì đó để người dân quê mình đỡ khổ. Chứng kiến cảnh bà con cuộc sống đã nghèo nàn, lại nay ốm mai đau, không có tiền chữa trị, chị đã ấp ủ uớc mơ trở thành một y sỹ chữa bệnh cho dân nghèo.

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp THPT, chị thi đỗ vào Trường Cao Đẳng Y tế Nghệ An. Năm 1992 ra trường, chị được nhận công tác tại Trung tâm Y tế huyện, sau đó chuyển về Trạm Y tế xã Châu Thắng, Thị trấn Tân Lạc và từ năm 2008 đến nay là Trưởng Trạm Y tế xã Châu Hạnh.

790451_small_91522.jpg

Y sỹ Lê Thị Nga

Chị Nga tâm sự: “Mình là người con của bản nên khi về công tác tại các tuyến xã, mình rất hiểu về phong tục và tập quán người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Từ nhiều đời nay, người dân không có thói quen đến trạm xá chữa bệnh, mọi việc đều tự xử lý bằng kinh nghiệm dân gian, bằng bài thuốc của ông lang vườn, việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là lấy từ các con suối, khi ngủ không chịu mắc màn và cộng với quan niệm “đông con hơn đông của” dẫn đến tình trạng đẻ dày, đẻ nhiều nên tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, các bệnh thường gặp như tiêu chảy, sốt xuất huyết… thường xuyên xẩy ra. Do đó, ra trường, mình muốn về tại bản làng để giúp đỡ bà con nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khỏe, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống đảm bảo sức khoẻ và vệ sinh môi trường”.

Những ngày mới về công tác, chị Nga phải cùng anh chị em trong trạm đến từng xóm bản để tiêm cho phụ nữ và trẻ em phòng ngừa một số bệnh như: bạch hầu, ho gà uốn ván... Sau này, khi đa số người dân có bệnh đã biết đến trạm y tế thì một số gia đình vẫn quen gọi chị đến khám tại nhà khi người nhà có bệnh. Bất kể đêm khuya, mưa gió, gặp những trường hợp như thế, chị lại xách “đồ nghề” lên đường.

Chị còn cùng trạm tham gia tuyên truyền cho nhân dân phòng bệnh, hướng dẫn các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch, khi đẻ cần đến trạm y tế. Nhờ vậy, người dân các thôn bản xã Châu Hạnh đã dần thay đổi được ý thức về bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường và kế hoạch hóa gia đình.

Từ một trạm y tế thiếu thốn, đến nay chị Nga đã đưa Trạm Y tế xã Châu Hạnh thành trạm y tế đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, chị Nga còn mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã để nâng cao khả năng khám và chữa bệnh cho người dân.

Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp y tế vùng cao Quỳ Châu, trong đó có hơn 10 năm là Trưởng trạm, y sỹ Lê Thị Nga đã phấn đấu không mệt mỏi, thực hiện tốt bổn phận của người thầy thuốc hết lòng, hết sức chăm lo sức khỏe cho người dân. Năm 2010, chị được Bộ Y tế và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì sự nghiệp bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Người dân nơi đây thường gọi chị Nga là “người thầy thuốc bản làng”.


Bài, ảnh: Ngô Hoài An (Châu Hạnh, Quỳ Châu)