Thế kỷ XVIII, quan hệ bang giao Việt Nam - Trung Hoa khá ổn định, có nhiều đoàn sứ thần 2 nước qua lại. Chỉ tính từ năm 1702 đến 1783 đã có 15 đoàn cống sứ Việt Nam với các sứ thần là những bậc khoa danh nổi tiếng tên tuổi lưu truyền Văn Miếu Quốc Tử Giám như: Hà Tông Mục (1653 - 1707) đi sứ năm 1703, Nguyễn Công Hằng (1686 - 1732) đi sứ năm 1718, Hồ Phi Tích (1665- 1734) đi sứ năm 1728, Lê Quý Đôn (1726 -1784) đi sứ năm 1760, Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) đi sứ năm 1765…

Là những bậc tài danh của đất nước, các sứ thần Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này đều là những nhà ngoại giao, nhà hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục, tác giả văn hóa lớn của dân tộc. Vì thế, 2 năm rong ruổi trên con đường Thăng Long - Bắc Kinh - Thăng Long… gặp gỡ bao điều kỳ thú để góp phần mang lại hòa bình cho dân tộc và khu vực các sứ thần Việt Nam đã để lại nhiều sáng tác có giá trị, tạo nên một dòng văn học độc đáo: Dòng văn học của các sứ thần Việt Nam viết về đất nước Trung Hoa.

ban_goc_tap_sach_hoang_hoa_su_trinh_do_luu_tai_dong_ho_nguyen_huy8954046_2362021.pngBản gốc tập sách “Hoàng hoa sứ trình đồ” lưu tại dòng họ Nguyễn Huy.

Trong lúc các trước tác của các sứ quan giai đoạn này cơ bản bị thất truyền thì các trước tác của sứ quan Thám hoa Nguyễn Huy Oánh quê làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được dòng họ, hậu duệ giữ gìn khá nhiều nguyên bản bản gốc.

Theo tư liệu của họ Nguyễn Huy, năm Tân Tỵ (1761) sứ thần nhà Thanh là Đức Bảo sang nước ta nhắc sang chầu. Nguyễn Huy Oánh được đặc ban quan hàm Tam phẩm để đón, tiếp sứ Thanh. Năm Ất Dậu (1765) triều đình thăng ông chức Thiêm Đô ngự sử và chọn ông đi sứ Trung Hoa.

Các sách “Lịch triều hiếu chương loại chí”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Phụng sứ Yên Đài tổng ca” ghi rõ: Đoàn sứ thần do Chánh sứ Nguyễn Huy Oánh qua biên giới ngày 29 tháng Chạp năm 1766, theo đường bộ đến châu Minh Ninh, từ đây đi thuyền (có 14 thuyền) qua Nam Kinh, đến Tế Ninh thì đi bộ đến ngoại thành Bắc Kinh.

Để chuẩn bị cho chuyến đi này, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã dành hơn 1 năm để biên khảo nên tập “Hoàng hoa sứ trình đồ” làm cẩm nang cho chuyến đi ngoại giao của đoàn.

Văn bản đóng bìa giấy thường, màu hồng đã ngả màu sau mấy trăm năm con cháu dòng họ lưu giữ. Khổ sách 22 x 14 cm có 119 tờ, chất liệu giấy dó.

Trang mở đầu của tập sách; Họa đồ cống Hà Khẩu và họa đồ huyện Vĩnh Thuận nơi có lễ Tết kiến.

Nghiên cứu văn bản có 7 nội dung chính sau:

Phần 1: “Hoàng Hoa lộ trình đồ thuyết”:  Gồm 4 trang đầu, thuyết minh hành trình, kể tên các châu, huyện, phủ, trạm dịch từ Nam Quan đến Bắc Kinh.

Phần 2: “Lưỡng Kinh trình lộ ca”: Gồm 26 câu thơ thất ngôn chữ Hán, khái quát chặng hành trình đoàn sứ bộ đi qua.

Phần thứ 3: “Sứ trình bị khảo”: Lược ghi đường đi phần đất Việt Nam. Điểm đầu tiên từ đình Kiên Nghĩa cho đến điểm cuối cùng là đài Ngưỡng Đức. Ghi rõ ngày lưu trú, hoạt động tế lễ ở từng điểm.

Phần thứ 4: “Bản đồ hành trình”: Bản đồ khu vực tiếp giáp 2 nước và các điểm đoàn qua, điểm cuối là huyện Tân Thành, tổng cộng 104 trang. Miêu tả cụ thể con người, thành trì, làng mạc, di tích, danh thắng… các hoạt động giao tiếp.

Phần thứ 5: “Bản quốc tự thần kinh tiến hành lục lộ”: Các tuyến đường bộ đi từ kinh đô Việt đến biên giới, liệt kê các dịch, trạm, đạo Kinh Bắc và đạo Lạng Sơn.

Phần thứ 6: “Bắc sứ thúy lộ trình lý số”: Độ dài cung đường thủy, bộ hành trình đi sứ Bắc quốc.

Phần thứ 7: “Quốc sơ kiến cung điện”: Liệt kê các cửa cung, phương vị chúng trong kinh đô Yên Kinh.

Cuối sách là bài tựa của Nguyễn Huy Triện (cháu 5 đời của Nguyễn Huy Oánh) và là người sao chép lại năm 1887.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ với cuốn sách “Hoàng hoa sứ trình đồ” tại tư gia ở Can Lộc, Hà Tĩnh.

“Hoàng hoa sứ trình đồ” đã được các hậu duệ của dòng họ Nguyễn Huy đất Trường Lưu kế tiếp lưu giữ. Năm 1989, ông Nguyễn Huy Bút (1916 – 2011) thế hệ thứ 17 của dòng họ đã bàn giao lại cho Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ. Năm 1963, sau khi cùng Viện Hán Nôm chuyển ngữ sang tiếng Việt, Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ đã công bố tác phẩm này trong dịp “Hội thảo khoa học 250 ngày sinh danh nhân Nguyễn Huy Oánh”. Ngay sau khi công bố tác phẩm “Hoàng hoa sứ trình đồ” đã gây sự chú ý đặc biệt cho các nhà khoa học xã hội Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…

Được sự giúp đỡ của UNESCO, chính quyền địa phương, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, GS.TS.VS. Nguyễn Huy Mỹ (hậu duệ đời thứ 16 họ Nguyễn Huy) đã chủ trì lập “Hồ sơ xếp hạng Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ước Việt Nam và thế giới”. Và tại cuộc họp lần thứ 8 của Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương họp tại GWangu (Hàn Quốc) từ ngày 29/5 đến 1/6/2018, với sự tham gia của 128 đại biểu của 29 nước (17 nước có quyền biểu quyết), hồ sơ “Hoàng hoa sứ trình đồ” đã giành được sự đồng thuận 100%.

Tại hội nghị, tổ chức UNESCO đã ghi nhận:

- “Hoàng hoa sứ trình đồ” là một tập tài liệu cổ xưa, còn lưu giữ được ở Việt Nam, tổng hợp đầy đủ về hành trình đi sứ độc đáo hiện có giá trị lớn trên nhiều phương diện ngoại giao, địa lý học, sử học, dân tộc học, mỹ thuật và văn học.

- Đây là tập tư liệu còn lưu giữ được của một dòng họ về quan hệ bang giao Việt - Trung. Hồ sơ lưu lại một hình thức ngoại giao mà nay không còn.

- Các bản đồ trong hồ sơ cùng các chú thích tỉ mỉ về từng phủ, huyện, cung đường, trạm, sơn xuyên, khe ngòi, đồng ruộng, dinh thự, phố bãi, cầu đập… rất khó ngụy tạo. Những họa đồ này từ bố cục đến màu sắc đẹp mắt lại đầy đủ số liệu cần thiết, vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa chỉ dẫn đường đi và tư liệu quý về từng địa danh, thành lũy tiêu biểu của Trung Hoa.

Đoàn Việt Nam tại Hội nghị toàn thế giới lần thứ 8 của Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: VTV

- Chữ viết là chữ Hán có tính quốc tế cao.

- Nội dung tư liệu của tập sách phong phú được chắt lọc công phu, nghiêm túc, sáng tạo, có dấu ấn cá nhân, tư duy rõ ràng từ các tư liệu lịch sử, văn hóa, địa lý, chính trị, ngoại giao của Trung Quốc.

- Là hiện vật nguyên bản đặc biệt quý hiếm cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nhiều lĩnh vực xã hội Trung Hoa thế kỷ XVIII và đánh giá so sánh các nghi thức ngoại giao giữa nhà Thanh đối với Việt Nam và các nước khác như: Nhật Bản, Cao Ly, Ấn Độ, Pakistan.

Với những ghi nhận và đánh giá cao của UNESCO, tập sách “Hoàng hoa sứ trình đồ” của nhà ngoại giao Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đang được dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu và các cơ quan chức trách lưu giữ và nghiên cứu khai thác dưới nhiều góc độ để phát huy. Tập sách đã được số hóa, in rập, lập thành các bản sao, xuất bản ấn phẩm trong nước và  nước ngoài, chuyển cho các cơ quan như Thư viện Quốc gia, Thư viện Nghệ An,  Hà Tĩnh và thư viện một số tư gia đại diện dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu lưu trữ. Tỉnh Hà Tĩnh đang xúc tiến xây dựng “Trung tâm văn hóa Trường Lưu” để lưu giữ các di sản văn hóa trên địa bàn phục vụ cho du lịch, tham quan nghiên cứu phát huy hiệu quả xã hội của các di sản văn hóa Trường Lưu, trong đó có 2 di sản tư liệu đã được UNESCO vinh danh là “Mộc bản Trường học Phú Giang” và “Hoàng hoa sứ trình đồ”.

_______________________

Tài liệu tham khảo:

- Hồ sơ di sản “Hoàng hoa sứ trình đồ”- Lưu tại họ Nguyễn Huy.

- “Hoàng hoa sứ trình đồ” NXB ĐHV - 2000.

- Kỷ yếu “Hội thảo quốc tế nghiên cứu di sản Hán Nôm của dòng họ Nguyễn Huy thế kỷ XVII, XX” năm 2020. Lưu tại họ Nguyễn Huy.

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân văn hóa Nguyễn Huy Oánh năm 2008. Lưu tại họ Nguyễn Huy Trường Lưu.