Năm Canh Dần 2010, dân tộc ta long trọng tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long. "Uống nước nhớ nguồn" là truyền thống đạo lý từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam ta. Trong suốt tháng Giêng 2010 này, rất đông nhân dân cả nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau cùng với kiều bào về thăm quê hương trong dịp Tết Nguyên đán đã nô nức về thăm vùng đất Cố đô Hoa Lư, thăm chùa Bái Đính, ngôi chùa lớn nhất Việt Nam hiện nay.


Chùa Bái Đính mới được xây dựng đầu thiên niên kỷ XXI. Một trung tâm tâm linh lớn của Phật Giáo Việt Nam. Đến nay, nhiều hạng mục của công trình chưa hoàn thành, đường xá đi lại trong khuôn viên chùa sỏi đá gập ghềnh. Tuy vậy không cản được lòng ngưỡng mộ của du khách gần xa về dâng hương chùa Bái Đính. Theo thống kê của Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch tỉnh Ninh Bình, hàng ngày trung bình có hàng vạn người đến thăm chùa Bái Đính.


763094_small_54927.jpgChùa Bái Đính (Ninh Bình). Ảnh: Hữu Nghĩa

Núi Bái Đính ở địa phận các xã Lê Xá, Sinh Dược, Xuân Trì xưa, nay thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Núi Bái Đính là núi có ngọn cao nhất, hùng vĩ nhất trong vùng, xung quanh núi, dân cư đông đúc, quần tụ từ lâu đời.


Núi đứng độc lập, trên vùng đồi cao và bằng phẳng, phía tây bắc núi có nhiều quả đồi thấp nên đất và đồi tôn cho núi Bái Đính cao và đẹp hơn những quả núi trong vùng. Núi Bái Đính cao 187m, diện tích trên đỉnh 150.000m2, dáng vòng cung, hai bên vòng lại tạo thành hình tay ngai, dưới chân núi là một thung lũng, tương truyền, xưa kia vùng đất dưới chân đồi là vườn Sinh Dược của Đức Thánh Nguyễn.

Nhìn ở các hướng khác nhau, ta thấy núi có hình dáng khác nhau. Nếu bạn từ sông Hoàng Long nhìn lên thì thấy núi có 9 ngọn uốn lượn hình dáng con Long Mã đang chồm về phía bấc, bờm cuộn lên, hai chân sau đạp xoài xuống phía nam tạo thế thượng phong.


Bái Đính Sơn có nghĩa là gì? Theo từ điển Hán Việt, "Bái" có nghĩa là "lễ nghi, là vái lạy"; lại còn có nghĩa là "Trao, phong, như phong hầu bái tướng". "Đính" có nghĩa là đỉnh, đỉnh núi. Như vậy, Bái Đính Sơn có nghĩa là núi có lễ bái trên đỉnh cao, tại nơi đây đã diễn ra phong hầu bái tướng từ lâu đời nên được đặt tên là Bái Đính.


Như vậy, từ xa xưa, núi Bái Đính đã là nơi diễn xướng lễ bái lớn tổ chức trên đỉnh núi. Theo truyền thuyết, vua Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp xong 12 sứ quân cát cứ đức vua đã cho lập đàn tràng trên núi Bái Đính để làm lễ phong hầu bái tướng, phong chức tước cho cả bá quan văn võ.

Điều này cũng rất hợp với truyền thuyết khi định đô ở đây, ngài đã cho xây dựng hành cung ở vùng rừng núi Sơn Lái (giáp liên xã Gia Sinh, cách núi Bái Đính chừng 5 km) để xây dựng kinh đô mới.

Nơi đây, nhà Đinh- Tiền Lê và cả năm đời của nhà Lý đã dùng làm nơi tế trời đất. Các đời vua sau như: Lê Lợi, Quang Trung khi tiến quân ra Bắc đều lấy núi Bái Đính làm nơi tế trời đất, tế thần (cao sơn) trước khi đánh đuổi giặc ngoại xâm và đều lập chiến công vẻ vang.


Xem thế mới hay, một dãy núi rừng trùng điệp, hiểm trở xuất từ Cúc Phương, Bái Đính tới Tam Điệp, Trần Phù "trời đất xây dựng, rất hiểm yếu" (trích trong sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí). Thế mới biết vùng đất Cố đô Hoa Lư có một tầm quan trọng chiến lược như thế nào trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta!


Thiên nhiên và cảnh quan ở Bái Đính có núi sông kỳ ngộ, phong cảnh hữu tình, nhân sinh vật thịnh.


Sông Hoàng Long là hợp lưu của ba dòng sông: Sông Lạng, Sông Bôi và Sông Lô. Sông Lạng bắt nguồn từ Hoà Bình, chảy qua thị trấn Nho Quan, đổ về gặp sông Bôi (sông Kiên Phong cổ), cũng từ Hoà Bình đổ về ngã ba Kênh Gà (xã Gia Thinh, Gia Viễn). Sông Hoàng Long chảy đến núi Lê (thôn Lê, xã Gia Sinh, Gia Viễn) nhập với dòng sông Lê từ Phú Lộc, Sơn Thành (Nho Quan) đổ vào. Sông Hoàng Long lượn vòng về phía Tây Bắc, đến thôn Hoàng Long, Đức Hậu, An Thái (xã Gia Ninh cũ nay là xã Gia Trung) chảy đến sát chân núi Bồ Đinh (xã Gia Vượng), Kỳ Lâm (Đại Hữu cổ, nay là xã Gia Phương), rồi lượn quanh lại phía Đông Nam qua Điền Giang Dương (xã Gia Thắng), điền Xá (xã Gia Tiên, huyện Gia Viễn), tạo thành vòng cung nước ống ôm lấy các xã Gia Trung, Gia Vượng, Gia Phương, Gia Thắng, Gia Tiến. Khúc uốn quanh này, theo sách cổ gọi là Sông Đại Hoàng...


Theo các tài liệu khảo cổ học được công bố gần đây thì vùng Bái Lĩnh xưa kia là địa bàn cư trú của người Việt cổ.


Chuyện về vùng đất Hoa Lư - núi Bái Đính còn rất nhiều, nhà nghiên cứu văn học dân gian Trương Đình Tưởng, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình đã viết cả một cuốn sách ngót hai trăm trang mang tựa đề: "Bái Đính ngàn năm tâm linh và huyền thoại ", Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, năm 2009.


Xin được nói thêm, về thăm chùa Bái Đính, ngoài chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ thú ra, còn được ngắm nhìn 500 vị La Hán được các nhà điêu khắc Việt Nam tạc, từ chất liệu đá trắng của Ninh Bình. Cùng với các vị La Hán, các pho tượng đồng đúc nguyên khối to, cao hàng chục mét như tượng Đức Thánh Nguyễn Minh Khổng (1066- 1141), Quốc sư Nhà Lý, người khai sinh ra "Bái Đính cổ tự" trên đỉnh núi Bái Đính. Tượng đồng nguyên khối mạ vàng, đặt ở đền "Lý triều Quốc sư" toạ lạc trên đỉnh núi Bái Đính. Ngoài ra còn Phật Thích Ca, Tam toà Thánh Mẫu, Thần Cao Sơn v.v... tất thẩy đều đúc bằng đồng nguyên khối và mạ vàng. Tất cả các pho tượng ở Bái Đính, mỗi pho là một tác phẩm nghệ thuật, nói lên sự tài hoa của các nghệ sĩ Điêu khắc Việt đương đại.


Về với Kinh đô Hoa Lư, về với chùa Bái Đính là về với vùng đất cội nguồn của dân tộc, về với đức tin và lòng ngưỡng mộ. Các cụ ta từ xa xưa đã có câu ca:


                             Ai là con cháu Rồng Tiên,

                        Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về...


Xuân Tuynh