Ông Vi Khăm Mun (sinh 1944) sinh ra và lớn lên tại bản Xiềng Líp, xã Yên Hoà (Tương Dương). Từ nhỏ, ông được gia đình tạo mọi điều kiện học hành, xuống tận huyện Con Cuông rồi Trường Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Vinh) để theo học. Tốt nghiệp cấp 3 ông có giấy báo nhập học của Trường Đại học Lâm nghiệp nhưng do một số khó khăn lúc bấy giờ nên đành gác lại ước mơ tới giảng đường.
Trở về quê (1965) Vi Khăm Mun tích cực tham gia dạy các lớp vỡ lòng, sau đó được điều đi học Trường Trung cấp sư phạm Tân Kỳ rồi trở về công tác tại trường Thanh thiếu niên rẻo cao Tương Dương (nay là Trường THCS DTNT Tương Dương).
Từ năm 1993, khi về nghỉ hưu, ông Vi Khăm Mun được bầu làm Bí thư chi bộ bản Xiềng Líp trong vòng 9 năm liền. Sau đó, xã Yên Tĩnh, một xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện thiếu giáo viên trầm trọng, dù tuổi đã nhiều nhưng ông Mun vẫn đăng ký vào dạy hợp đồng 02 năm, góp phần giúp ngành Giáo dục huyện nhà khắc phục tình trạng "trắng" giáo viên ở xã Yên Tĩnh. Trở về, ông Vi Khăm Mun lại được xã tin tưởng giao giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã kiêm phụ trách Trung tâm Học tập cộng đồng.
Ở cương vị công tác này, ông Mun tích cực tìm hiểu sách báo để đưa ra những sáng kiến thúc đẩy phong trào học tập của xã nhà. Đặc biệt, thời gian qua, huyện Tương Dương thực hiện đề án khôi phục chữ Thái hệ Lai Pao, một loại chữ Thái đặc trưng của vùng này, ông Mun là một trong những người tham gia tích cực nhất.
Lúc đầu, ông cũng chỉ là một học trò của cụ Lô Văn Thoại (người còn lưu giữ được nhiều tài liệu và biết nhiều về chữ Thái Lai Pao), nhờ tấm lòng say mê với nét chữ tổ tiên, ông không ngừng học hỏi nên đến nay ông đã trở thành một giảng viên có uy tín. Ông tham gia biên soạn giáo trình và là một giảng viên tích cực tại các lớp truyền dạy và phổ biến chữ Thái Lai Pao.
Theo ông Mun, muốn bảo tồn có hiệu quả và bền vững nét chữ của người Thái cần tiếp tục mở rộng quy mô truyền dạy, khơi dậy niềm tự hào trong bà con dân tộc Thái và nếu có thể đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông ở các trường có đông học sinh dân tộc Thái. Tại Lễ hội Đền Cửa Rào vừa qua, ông Vi Khăm Mun là một trong những người tham mưu cho ngành Văn hoá huyện mở cuộc thi viết chữ Thái Lai Pao và có kết quả thực sự khả quan.
Mỗi khi rảnh rỗi, ông Vi Khăm Mun lại đi khắp các bản làng, tìm đến các cụ già để sưu tầm các câu chuyện cổ, những câu tục ngữ, ca dao và đồng dao của người Thái để lưu truyền cho con cháu đời sau. Hiện tại, ông đã sưu tầm khá đầy đủ truyện "Lai nộc yềng" (Bài ca chim yểng), một câu chuyện tình bằng thơ đặc sắc của dân tộc Thái và đã chuyển sang chữ Thái Lai Pao.
Dự định sắp tới ông sẽ cho xuất bản "Lai nộc yềng" song hành chữ quốc ngữ và chữ Thái Lai Pao. Hỏi về những dự định tiếp theo cho thời gian tới, ông Vi Khăm Mun bộc bạch: "Tôi sẽ tiếp tục sưu tầm những tác phẩm văn học truyền miệng của người Thái và "cố định hoá" chúng bằng chữ Thái Lai Pao. Để làm tốt việc này, rất cần sự chia sẻ, hợp tác của những người có tâm huyết".