"Dù ai đi ngược về xuôi
                       Nhớ ngày giỗ Tổ Mồng Mười tháng Ba"

Hàng năm, vào dịp tháng 3 âm lịch, người dân Việt Nam từ khắp nơi trong cả nước và kiều bào nước ngoài náo nức đổ về Phú Thọ để tham dự Quốc giỗ Tổ Hùng Vương.  
 
Phú Thọ là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm miền Bắc Việt Nam, là cửa ngõ nối liền giữa các tỉnh miền núi phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Phú Thọ có địa hình rất đa dạng: có núi non hiểm trở, có đồi trung du san sát, có đồng bằng phì nhiêu, có Đầm Ao Châu (Hạ Hoà), Rừng Quốc gia Xuân Sơn (Thanh Sơn), mỏ nước khoáng nóng Thanh Thuỷ (huyện Thanh Thuỷ), Ao Giời  Suối Tiên (huyện Hạ Hoà), Bến Gót  Bạch Hạc (Việt Trì ), 

763103_small_55041.jpgBia ghi lời Bác tại Đền Hùng. Ảnh: Trần Đình Hà
 
Phú Thọ còn có lịch sử lâu đời, được coi là mảnh đất cội nguồn phát tích của dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết, đây là nơi các vua Hùng chọn làm đất đóng đô, đặt tên là kinh đô Văn Lang (kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam ). Khu di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay là di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia gắn với lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam như:  Đền Quốc mẫu Âu Cơ, Bạch Hạc - Bến Gót, đình Thạch Khoán... 

Đền thờ các vua Hùng: được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
 
Tương truyền, xa xưa, các vua Hùng lựa chọn nhiều nơi, cuối cùng mới tìm được thánh địa này để đóng đô. Nơi này ở phía trước có sông tụ hội, hai bên có núi chầu hầu. Đất đai màu mỡ thích hợp việc cày cấy, trồng trọt. Đất gò đồi cao thuận lợi việc lập ấp.

Bộ bàn ghế tại đền Thượng. Ảnh: T.Đ.H
 
Quần thể đền Hùng có Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Từ chân núi Hùng rẽ qua Đại môn (cổng đền) leo qua 225 bậc thang xây bằng gạch lên đến Đền Hạ. Theo truyền thuyết, tại khu vực đền Hạ quốc mẫu Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng, nở thành trăm người con: 50 theo cha là Lạc Long quân xuôi về miền biển, 49 người theo mẹ lên núi, để lại 1 người làm vua nước Văn Lang. Đấy là vua Hùng thứ nhất. Trong khu vực đền Hạ có chùa Thiên Quang. Trước cửa chùa là cây thiên tuế sống được 700 năm.
 
Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tư­ơng truyền nơi đây các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu. Cũng ở nơi đây hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chư­ng, bánh dày lên cho vua cha nhân dịp tết.
 
Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thư­ợng, nơi đây Hùng Vương thứ 6 cho lập đền thờ Thánh Gióng đã có công đuổi giặc Ân. Đây là nơi vua Hùng thứ 18 truyền ngôi cho Thục Phán dựng 2 cột đá thề sẽ trông nom và giữ gìn cơ nghiệp Hùng vương. Cách đền Thượng không xa là lăng vua Hùng. Tư­ơng truyền là mộ vua Hùng V­ương thứ 6. Sau khi Thánh Gióng đánh giặc Ân bay lên trời, vua Hùng đã hoá ở đây. Từ lăng đi xuống, đền ở chân núi phía Đông Nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy n­ước, trong vắt soi gư­ơng đ­ược. Đền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là hai con gái yêu của vua Hùng thứ 18. Tương truyền, hồi chưa hạ giá, hai công chúa vẫn thường ra đây chải tóc và soi bóng ở giếng này.  

Cây vạn tuế 700 năm tuổi. Ảnh: T.Đ.H

Đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ: được xây trên núi ốc Sơn, còn gọi là núi Vặn, cao trên 147m so với mặt biển. Đền được thiết kế dựa trên nền kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa của thời kỳ Đông Sơn. Đền được dựng theo kiến trúc truyền thống với cột, khung, sườn, mái, vách ngăn bằng gỗ lim; mái lợp ngói mũi hài, tường xây bằng gạch bát. Khu đền chính gồm một đền thờ chính và hai nhà Tả vu, Hữu vu nằm hai bên, kiến trúc kiểu chữ đinh. Riêng thành lan can được chạm khắc các hoạ tiết hình chim Lạc và các hoạt động văn hóa dân gian thời kỳ Đông Sơn. Nội thất trong đền gồm tượng Mẫu và hai tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng với khối lượng khoảng 2 tấn. Hai bên Tả vu là hai bức phù điêu khắc họa cảnh 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi bằng chất liệu gò đồng.

Di tích Bạch Hạc - Bến Gót: thuộc phủ Tam Đới xưa, còn tồn tại rất nhiều di tích lịch sử văn hoá, các truyền thuyết, chuyện kể về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Tương truyền, sau khi Quốc mẫu Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con. Cha Lạc Long Quân không biết đặt tên các con như thế nào. Ông đã lập đàn tế trời và đã được tiên ông từ trên trời xuống đặt tên, phân định anh em cho một trăm người con do Quốc mẫu Âu Cơ sinh ra. Sau đó, tiên ông bay về trời và để lại dấu tích gót chân trên một tảng đá ở bến sông này nên từ đó mới có tên là Bến Gót. Đình Bạch Hạc (hay còn có tên là đình thôn Việt Trì) là nơi thờ các vua Hùng, có đền Lang Đài là nơi hai chàng Sơn Tinh và Thuỷ Tinh đấu võ, miếu Hà Thần là nơi thờ thần Sông đã có công giúp vua Trần Minh Tông đánh Man Đà Giang dẹp yên bờ cõi. Đền Bạch Hạc là nơi thờ thổ lệnh có tên huý là Trần Lan và em là Thạch Khanh tên huý là Trần Bảo có phép thuật thần y, chữa được bách bệnh cho nhân dân, sau hoá thần ở Tam Thanh Quán bên bờ sông Bạch Hạc, được phong làm thần thiêng ở ngã ba sông Hạc..... 

Giếng ngọc trong đền Giếng. Ảnh: T.Đ.H

Đình Thạch Khoán: thờ đức thánh Tản Viên Sơn thời Hùng Vương, 3 vị công chúa con gái Vua Hùng và 4 vị thổ tù họ Đinh người Mường xã Thạch Khoán - người có công giúp vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh thế kỷ 15.
 
Phú Thọ hội tụ trọn vẹn những di tích, sự tích, truyện kể, truyền thuyết về đời sống sinh hoạt văn hoá, công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam và là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc như: thơ, ca, hò, vè, những làn điệu hát Xoan, hát Ghẹo, hát Đối, hát Ví từ lâu đời.
Trần Đình Hà