(Baonghean) -Tôi tìm tới xóm Xuân Hùng, vùng đất cát bạc ngoại vi Thành phố Vinh, nơi ở của bác Thái Ngô Tài - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nghệ An liên tục 24 năm qua. Trong khuôn viên nhỏ nhoi, vẫn ngôi nhà cấp bốn vì gỗ ba gian, lợp ngói thủ công khiêm nhường. Căn nhà cũng giản dị như phong cách kiệm cần của người vốn trưởng thành từ thợ tiện cơ khí quân giới.

Xin phép vợ chồng người con út Thái Ngô Bình, tôi thắp nén hương tưởng vọng anh linh bác... Còn nhớ, vào thời điểm không quân Mỹ đánh phá khốc liệt, đời sống vật chất cực kỳ khó khăn, một bộ phận cán bộ, công nhân giao động, sản xuất đình trệ. Bác Thái Ngô Tài chỉ đạo hệ thống Công đoàn ngành và Công đoàn cơ sở vừa chăm lo từng khẩu phần ăn, vừa khởi xướng phong trào văn hóa, văn nghệ mong xua tan không khí căng thẳng chiến tranh.

775048_small_73602.jpg
Khi ban vận động thành lập Hội Văn nghệ tỉnh mở trại bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác do nhà thơ Trần Hữu Thung phụ trách, theo gợi ý của bác Tài, Ban Tuyên giáo Liên hiệp Công đoàn tỉnh chọn lựa cán bộ văn hóa quần chúng tham dự, chuẩn bị nguồn tác giả, tác phẩm viết về công nhân. Trại sáng tác Minh Thọ, Hòa Sơn năm 1967 hội đủ những cây bút công nhân ít nhiều đã có tác phẩm trình làng. Đó là các anh: Nguyễn Xuân Phầu (TyThủy lợi), Quang Huy, Hồng Nhu (Ty Văn hóa), Nguyễn An Cư (Mỏ than Khe Bố), Bùi Bá Linh, Trần Phúc Tăng, Thiện Vinh, Văn Huệ (Nông trường Tây Hiếu), Văn Hiền, Trần Tùng, Hoàng Xuân Các (Ty Giao thông), Nguyễn Việt Sĩ (Công ty Kiến trúc), Hữu Thước (Ty Y tế), Nguyễn Trọng Tấn (Xí nghiệp Vận tải ô tô). Vương Đình Trâm (Lâm trường Con Cuông), Ông Văn Tùng (Ty Giáo dục)... Từ gợi mở, nhen nhóm, khơi nguồn của Thư ký Công đoàn Thái Ngô Tài, sau đó không lâu, Nghệ An đã tập hợp được những cây bút gắn bó với đề tài công nhân như: Đàm Quang Long,Võ Quang Thiều, Mai Tuấn, Văn Hiền, Vương Đình Trâm, Nguyễn Xuân Phầu (Văn học); Nguyễn Tường Lân, Văn Huệ, Văn Thiên, An Cư (Sân khấu); Trần Tùng, Trần phúc Tăng, Bùi Bá Linh, Quang Vượng (Âm nhạc); Nguyễn Hải Thọ (Hội họa); Anh Khoa (Biên đạo Múa); Thái Thị kiều Anh, Phước Mỹ, Kim Quy, Quốc Chung (Ca sĩ)… Với đội ngụ văn nghệ hạt nhân ấy, suốt những năm chống chiến tranh phá hoại, Liên hiệp Công đoàn Nghệ An đã có nguồn vốn tác phẩm dồi dào, sinh động, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho hàng vạn công nhân viên chức và người lao động đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt với bom đạn, thiếu thốn dai dẳng. Và càng không thể quên những cử chỉ ân tình chăm sóc đội ngũ văn nghệ công nhân của bác Thái Ngô Tài trong những năm lửa đạn. Đấy là 4 hộp sữa, suất bồi dưỡng của bác nhường cho 2 cô diễn viên Nông trường Đông Hiếu mang cả con xuống Thanh Hưng tham gia "Hội diễn Tiếng hát công nhân" năm 1967. Rồi chính tôi, một lần tham dự "Hội diễn tiếng hát công nhân”, bác “bắt cóc” vào chân gác trống phòng không, nghĩ thế nào về sự đường đột của mình, bác quay lại đưa cho tôi bao thuốc lá Tam Đảo và mấy cái kẹo Hải Châu. Anh Văn Huệ - thường vụ Công đoàn Nông trường Đông Hiếu, tác giả hoạt cảnh "Cà phê nổi giận", rồi vở kịch năm hồi "Vượt sông” đoạt giải cao trong một liên hoan văn nghệ ở Miền Bắc năm 1968, đã từng được Bác Thái Ngô Tài “thưởng" một gói xôi kèm khoanh giò lụa!

Cũng từ vai trò “bà đỡ” mát tay của bác Thái Ngô Tài, Liên hiệp Công đoàn Nghệ An ra được 2 ấn phẩm văn học dày dặn, tập hợp những bút ký, ký sự mang đậm hơi thở “Sản xuất giỏi", “Chiến đấu giỏi" với tựa đề Từ Bến Thủy (2 tập). Anh Mai Tuấn sốt sắng ra tận Hà Nội nhờ nhạc sỹ, họa sỹ danh tiếng Văn Cao vẽ bìa và trình bày 2 tập sách văn học công nhân Nghệ An. Không chỉ có văn học, từ phong trào ca hát của công nhân, những tài hoa thanh nhạc cũng được phát lộ: Thái Thị Kiều Anh, Phước Mỹ, Quốc Chung, rồi ca khúc nổi tiếng một thời của nhạc sỹ Trần Phúc Tăng, Bùi Bá Linh, Thanh Tùng, Quang Vượng, Văn Thế... Những tài hoa ấy được Liên hiệp Công đoàn tổ chức thành đội, thành đoàn phục vụ quân, dân trong tỉnh, Quân Khu 4 đánh thắng chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Bộ Văn hóa còn tin cậy đưa tiếng hát của công nhân Nghệ An vượt hàng vạn kilômét sang giới thiệu tại Bun-ga-ri, Ba Lan,Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba…

Thấm thía những cạn hẹp, hẫng hụt kiến thức của công nhân, bác Thái Ngô Tài chỉ đạo Công đoàn ngành Giáo dục xây dựng chương trình bổ túc cấp hai cho khối nông trường, lâm trường và giao thông vận tải. Chưa bao giờ phong trào “Ngày sản xuất, đêm học văn hóa" lại cuốn hút người lao động như những năm chiến tranh phá hoại. Không kể hết nhiều người trong số học viên bổ túc ấy, sau mấy năm gặp lại đã có đủ kiến thức thi vào vào các trường trung học, đại học chính quy!

Bác Tài thường nói "Tập thể là nền móng cho cá nhân phát triển, nhưng có cá nhân xuất sắc thì phong trào mới bền vững". Và từ mạch tư duy chỉ đạo ấy, bác tập trung xây dựng mô hình "tổ ấm Công đoàn", với nội dung hoạt động sát thực bằng công thức "ba giúp một việc", khơi gợi năng lực sáng tạo, làm chủ tình huống trong sản xuất, tác nghiệp của người lao động. Có một điều thú vị là anh Bùi Khuyến - Trưởng ban Tuyên giáo Liên hiệp Công đoàn đã hứng khởi sáng tác ca khúc "Tổ ấm công đoàn". Thời chống Mỹ gian nan, bài hát đã như khúc dạo đầu cho một phong trào xây dựng “Tập thể điển hình, cá nhân tiên tiến", nhân rộng "tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa" khắp công, nông, lâm trường, xí nghiệp và cơ quan hành chính.

Vào giai đoạn vị thế tổ chức Công đoàn chỉ đứng sau tổ chức Đảng. Những gương mặt cán bộ chủ chốt, sắc sảo như: Vũ Thắng, Lê Cổn, Bùi Khuyến, Đàm Quang Long, Lê Viết Tâm, Nguyễn Sỹ Diến, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Trọng Văn… đều nhiệt huyết quy tụ bên thư ký Thái Ngô Tài. Bộ tham mưu ấy đã thiết kế, xây dựng nên phong trào thi đua "Vì miền Nam ruột thịt", "Mỗi người làm việc bằng hai” thu hút trên 70 vạn đoàn viên tham gia để chưng cất nên 2.000 tập thể tiên tiến mà đỉnh cao là 11 cá nhân được suy tôn Anh hùng, trong đó có 9 Anh hùng lao động.

Những năm đầu thập kỷ 80, cả tỉnh Nghệ An đói quay quắt, hạt bo bo là khẩu phần ăn chủ lực thay gạo đắp đổi qua bữa. Đời sống công nhân viên chức lay lắt với đồng lương mất giá chợ đen. Người ta truyền nhau câu thơ "Năm tám mươi, gạo tám mươi; dân Xứ Nghệ mặt vàng như nghệ".

Đã thế, một số vị lãnh đạo còn đưa ra chủ trương cắt trừ từ 15 – 20% tiêu chuẩn bán lương thực, kêu gọi công nhân viên chức tự túc khẩu phần thiếu hụt. Trước nỗi bức xúc hàng vạn con người vì một quyết định nóng vội, duy ý chí, quan liêu, bác Thái Ngô Tài chỉ thị cho văn phòng chuẩn bị nội dung văn bản của Ban thường vụ Lên hiệp Công đoàn đề nghị chưa thực hiện chủ trương này! Từ diễn đàn Hội đồng nhân dân tỉnh, trước một vài ý kiến gay gắt, quy chụp, bác Tài vẫn điềm đạm, kiên định bảo vệ quyền lợi của công nhân viên chức và người lao động. Đội ngũ tri thức ngành Giáo dục Đào tạo, những người chẳng biết cày, cuốc, chẳng thể “rời bục giảng lên rừng khai hoang trồng sắn” đã rơi nước mắt khi được nghe câu chuyện này…

Sau ngày bác Thái Ngô Tài gặp cơn bạo bệnh ít lâu, một công nhân Nông trường 3-2 đã nghỉ hưu, kiếm sống bằng nghề sửa xe đạp, tất tả xuống Vinh tìm tới nhà bác. Người thợ già nua ôm bác Tài mếu máo khóc, kể lể: “Nếu không nhờ bác Tài can thiệp, chắc tới giờ ông vẫn chưa được hưởng chế độ bệnh binh!”.

Phải rồi, chỉ có người từng là lính quân giới trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từng là thợ cơ khí như bác Thái Ngô Tài mới đồng cảm, thấu hiểu nỗi khổ niềm vui của lính, người thợ.

Thắp thêm tuần hương, tôi thầm nhắc lại câu nói của người công nhân gặp nạn được bác Thái Ngô Tài nâng đỡ: “Bác là người anh của chúng tôi!”.
Văn Hiền