(Baonghean) - Ngày 25/1/1969, tại cuộc họp báo sau phiên họp chính thức đầu tiên của Hội nghị bốn bên ở Pari về Việt Nam, khi hàng chục ống kính, mi cờ rô chĩa về phía người phát ngôn của Phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, một nhà báo Mỹ cầm tấm bản đồ miền Nam giơ lên và hỏi: "Mặt trận các ông thường khoe là kiểm soát được tới hai phần ba lãnh thổ nam Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?".

Người phát ngôn của Phái đoàn Mặt trận Giải phóng trả lời ngay: "Điều ông hỏi cũng là điều Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông báo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ đã ném bom ở những nơi nào ở miền Nam Việt Nam, những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi đấy".


775610_small_74250.jpg

Đồng chí Lý Văn Sáu (thứ 2, phải sang) chứng kiến Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (27/1/1973)

Người có câu trả lời xuất thần ấy, câu trả lời làm hàng trăm nhà báo có mặt trong phòng họp báo phải ngạc nhiên, sửng sốt, thán phục và làm nức lòng hàng triệu con tim của chiến sỹ và nhân dân cả nước cũng như bầu bạn năm châu, là nhà cách mạng lão thành, nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ.


Ông Lý Văn Sáu tên khai sinh là Nguyễn Bá Đàn, sinh ngày 5/11/1924 tại làng Yên Nhân, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước. Cha ông là cử nhân Nguyễn Trọng Thuần, một trí thức nho học, một vị quan thanh liêm, bạn thân thiết của nhà chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng, từng bảo vệ, che chở nhiều chiến sỹ cách mạng. Từ nhỏ, vốn thông minh, hiếu học, Nguyễn Bá Đàn được cha mẹ cho đi học tiểu học ở Phú Yên, sau đó học bậc trung học tại Trường Quốc học Huế và đậu bằng tú tài toàn phần hạng ưu. Được những người anh, người bạn như Tạ Quang Bửu, Phan Anh giáo dục, hướng dẫn, ngay từ năm 1944, Nguyễn Bá Đàn đã tham gia hoạt động truyền bá quốc ngữ cho những người dân lao động ở chợ An Cựu.

Năm 1945, Nguyễn Bá Đàn về Yên Thành tiếp tục tham gia hoạt động thanh niên, truyền bá quốc ngữ và được cán bộ Việt Minh cử làm thủ lĩnh thanh niên để tập hợp thanh niên, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Bá Đàn lên đường Nam tiến, tham gia kháng chiến tại Mặt trận Nha Trang - Khánh Hoà. Vốn năng nổ, sáng tạo, có khiếu về tuyên truyền, Nguyễn Bá Đàn được giao nhiệm vụ Trưởng Ty Thông tin Khánh Hoà. Tháng 2/1947, Nguyễn Bá Đàn vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng năm 1947, Nguyễn Bá Đàn được tổ chức giao nhiệm vụ Chủ bút tờ báo THẮNG, tiền thân của tờ báo Khánh Hoà ngày nay.

Năm 1949, nhà báo trẻ Nguyễn Bá Đàn nhận công tác ở Liên Khu uỷ V và được giao trọng trách Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài Phát thanh Tiếng nói miền Nam của Liên khu V. Được gần gũi những người anh, người bạn như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Minh Vỹ, từ một trí thức tân học yêu nước, Nguyễn Bá Đàn trở thành một cán bộ tuyên truyền, một nhà báo có uy tín, góp phần đắc lực trên mặt trận tư tưởng văn hoá ở chiến trường Liên khu V suốt những năm ác liệt kháng chiến chống Pháp.




                Bút tích của đồng chí Lý Văn Sáu gửi về quê trước khi mất

Thời kỳ 1953-1954, Nguyễn Bá Đàn là Thư ký ban chỉnh Đảng của Trung ương ở Liên khu V. Mùa Thu năm 1954, đồng chí là sỹ quan liên lạc ở Ban Liên hợp đình chiến bên cạnh Uỷ ban Quốc tế về Hiệp định Giơ-ne-vơ. Năm 1954, tập kết ra Bắc, đồng chí nhận nhiệm vụ ở Ban Thống nhất Trung ương. Từ tháng 1/1957 - 9/1960, đồng chí được cử sang Mát-xcơ-va học Trường Đảng cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.


Chỉ trong cuộc hành trình trên chuyến tàu liên vận từ ga Đồng Đăng sang Trung Quốc rồi sang Nga, Nguyễn Bá Đàn đã tranh thủ học tiếng Nga, khi đặt chân lên đất Nga, đồng chí đã làm thông dịch viên tiếng Nga cho cả đoàn!


Về nước, Nguyễn Bá Đàn nhận nhiệm vụ ở Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương. Năm 1962, đồng chí được cử đi Cu Ba làm Phó trưởng đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cũng từ năm 1962, đồng chí mang tên mới Lý Văn Sáu (lấy tên người chị Nguyễn Thị Lý làm họ, bản thân là con thứ sáu trong gia đình làm tên mới để hoạt động). Trong những năm tháng hoạt động ngoại giao ở Cu Ba, Lý Văn Sáu đã cùng người vợ, người bạn chiến đấu là Ngô Thị Ngọc Ánh góp phần làm cho nhân dân Cu Ba và nhân dân tiến bộ ở các nước Châu Mỹ la tinh hiểu rõ đường lối chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta và xây dựng tình cảm hữu nghị chiến đấu giữa Việt Nam - Cu Ba, Việt Nam và các nước vùng Ca-ri-bê.


Hết nhiệm kỳ về nước, đồng chí công tác ở Ban Thống nhất Trung ương. Từ tháng 11/1968 - 9/1973, Lý Văn Sáu là thành viên chính thức, cố vấn và là phát ngôn viên Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tại Hội nghị Pari về Việt Nam. Với khả năng sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, với kiến thức uyên thâm và tư duy sắc bén, hóm hỉnh của một người trai xứ Nghệ, với khẩu khí của một nhà ngoại giao, của nhà báo tài ba, trong gần 5 năm, trải qua gần 100 cuộc họp báo ở Pa ri và hàng trăm lần đi tiếp xúc ở các diễn đàn của hơn 40 nước, Người phát ngôn Lý Văn Sáu đã trả lời hàng trăm ngàn câu hỏi bất ngờ, hóc búa, đã viết hàng trăm bài báo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao, mặt trận tuyên truyền, góp phần quan trọng vào sự thành công của Hội nghị Pari và xây dựng hệ thống lý luận về nền ngoại giao cách mạng của Đảng và nhân dân ta.


Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), đồng chí được điều động vào công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, trực tiếp làm Phó Giám đốc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh.


Từ năm 1977 - 1990, đồng chí được giao những nhiệm vụ quan trọng: Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương (Đài Truyền hình Việt Nam); Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam; Uỷ viên thư ký Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba.


Trên những cương vị mới của mình, Lý Văn Sáu luôn thể hiện tư chất, bản lĩnh, kinh nghiệm của một nhà lý luận uyên bác, nhà ngoại giao tài ba, một người bạn lớn, thân thiết của nhân dân Cu Ba, một cán bộ lãnh đạo trên mặt trận tư tưởng - báo chí, suốt đời trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, luôn gương mẫu thực hiện lời dạy của Bác Hồ "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư".


Ra đi từ miền quê xứ Nghệ nghèo khó mà kiên cường, lớn lên ở Huế, hoạt động ở khu V dằng dặc khúc ruột miền Trung rồi kết thúc ở TP.Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, đi khắp năm châu, bốn biển làm công tác tuyên truyền, báo chí, đối ngoại, cuộc đời của nhà cách mạng lão thành, nhà báo lớn, nhà ngoại giao xuất sắc Nguyễn Bá Đàn - Lý Văn Sáu đã nêu một tấm gương sáng về học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.


Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.


Nhà báo, nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Bá Đàn - Lý Văn Sáu, "một ông Trạng (1) của thời đại Hồ Chí Minh, một người con ưu tú của núi Hồng sông Lam đã ra đi vào 10 giờ ngày 30/4/2012, đúng vào thời điểm cách đây 37 năm đại quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Con người ấy, sự nghiệp ấy "như hạt cát, như giọt nước" (2) sống mãi cùng nhân dân, cùng đất nước.


(1) chữ dùng của nhà báo Dương Quang Minh;

(2) chữ dùng của Lý Văn Sáu trong hồi ký "Một cuộc đời"


Ngô Đức Tiến