Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở bản Lầu 2, xã Châu Bình có 4.000m2 trồng mía đỏ. Các năm trước, giá mía đỏ tại vườn từ 6.500 - 8.000 đồng/cây, vườn mía của gia đình bà cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Thế nhưng, thời điểm này đã cận kề Tết Nguyên đán nhưng vẫn chưa thấy thương lái hỏi mua. Có một vài người đến hỏi nhưng với giá thấp.

Theo bà Hoa, mía đỏ là loại cây kén đất nên khi trồng phải bỏ nhiều công chăm sóc, khi cây đã lên lóng phải bóc vỏ thường xuyên, buộc nẹp để cây thẳng, không bị đổ. Vì vậy, với giá bán 5.000 - 6.000 đồng/cây thì người trồng sẽ không có lãi.

bna_kho_tim_dau_ra_cho_mia_do_quy_chau_19433105_1712019.jpgHơn 3.000m2 diện tích mía đỏ vẫn được chị Kim Thị Mùi bóc lá hàng ngày chờ thương lái đến mua. Ảnh: Bé Vinh

Còn đối gia đình chị Kim Thị Mùi, do năm trước giá mía ổn định cho lợi nhuận khá cao nên năm nay chị đã chuyển đổi hơn 3.000m2 đất sang trồng mía đỏ. Theo ước tính giá bán như năm trước, chị sẽ có nguồn thu trên 60 triệu đồng nhưng hiện giờ chị đang lo lắng bởi giá thương lái hỏi mua khá rẻ, nếu mía không bán vào dịp Tết phải để sang năm giá thu mua còn thấp hơn, chỉ được 4.000 - 5.000 đồng/cây.

Mía đỏ phù hợp với vùng đất Châu Bình, hiện trên địa bàn có 10ha mía đỏ; những năm đầu cây mía cao, to đều, lóng dài nên được nhiều thương lái đặt mua. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây mía lóng ngắn, cây nhỏ và thấp hơn nên thương lái không đặt mua vì mía để thờ Tết khách hàng thường đòi hỏi phải thẳng, lóng dài...

Để giữ cây mía thẳng, đẹp bán vào dịp Tết Nguyên đán, người trồng phải khá tốn công chăm sóc. Ảnh: Bé Vinh

Theo ông Nguyễn Bá Hải - Trưởng Bản Lầu 2, xã Châu Bình: Mía trồng trên 3 năm thì bắt đầu phát triển kém nên năm ngoái một số gia đình đã chuyển sang trồng nghệ, nhưng giá nghệ tươi năm nay cũng không ăn thua...