Theo lịch thời vụ, ông Nguyễn Tiến Lực cũng như bà con nông dân xã Thọ Thành bắt đầu xuống đồng gieo cấy vụ xuân 2019.
Theo ông Lực, những năm trước, với diện tích hơn 5 sào nhận khoán đất công ích ở vùng đồng Cồn Đạt ông phải thuê người cấy 4 - 5 ngày hết khoảng 1,5 triệu đồng. Năm nay có dịch vụ gieo mạ khay và cấy máy, cũng diện tích trên, ông chỉ cần thuê cấy trong vòng gần 2 tiếng đồng hồ và giảm chi phí mỗi sào gần 200.000 đồng.
Những năm trước, sản xuất lúa của bà con xã Thọ Thành chủ yếu làm theo phương pháp truyền thống, quy mô sản xuất còn nhỏ, ít tập trung thành từng vùng, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất... Hơn 1 năm nay, xã đã áp dụng phương pháp gieo mạ khay và cấy bằng máy, với diện tích 30 ha, tiết kiệm cho bà con hàng chục triệu đồng.
Cây mạ khay sinh trưởng khỏe hơn so với mạ thường, khắc phục được những hạn chế khi phải làm mạ ngoài trời như phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, tránh được hiện tượng đứt rễ khi đem mạ ra cấy ngoài ruộng.
So với phương pháp truyền thống, gieo mạ bằng khay mỗi sào giảm được 1/2 lượng giống.
Việc máy cấy xuất hiện trên đồng đất Yên Thành mở ra một hướng đi mới cho người dân.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, vụ xuân này nông dân trên địa bàn huyện Yên Thành áp dụng gieo mạ khay, cấy máy với diện tích khoảng 100 ha, tập trung ở các xã phía Bắc huyện.
Từ những mô hình cấy máy hiệu quả này, những năm tới sẽ được nhân rộng trên địa bàn huyện để bà con nông dân được hưởng lợi, đẩy nhanh tiến độ đưa CNH - HĐH vào nông nghiệp nông thôn./.