Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Kalibr trang bị cho nhiều tàu chiến Nga có tầm bắn lên tới 600 km, nhưng chúng có đủ phương tiện để dẫn bắn?
Hiện nay Hải quân Nga đang từng bước trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M-54 Kalibr cho nhiều tàu chiến thế hệ mới của mình, với tầm bắn tối đa 600 km, vận tốc lớn nhất Mach 3, đây được cho là vũ khí giúp chiến hạm Nga đánh bại mọi đối thủ trên thế giới.
Tuy nhiên thực tế có phải đơn giản như vậy, tàu chiến phương Tây trang bị đạn chống hạm tầm 180 km chỉ có thể trở thành "mồi ngon" của Hải quân Nga?
Khác với phiên bản đối đất chỉ cần nhập dữ liệu tọa độ mục tiêu rồi "phóng và quên", phiên bản đối hạm yêu cầu radar trên tàu phóng phải nhìn rõ mục tiêu để dẫn đường cho đạn tiếp cận ở quỹ đạo bay thật thấp nhằm phát huy tối đa tính bí mật.
Nhưng cần phải nhớ rằng các đài radar hỏa lực hiện nay đều bị giới hạn bởi đường chân trời vô tuyến điện từ, chúng không thể nhìn thấy đối phương từ cự ly quá 40 km do chịu ảnh hưởng từ độ cong của trái đất.
Nhằm khắc phục nhược điểm này, Nga lắp đặt cho một số chiến hạm radar sóng dài có khả năng thu sóng nhờ hiện tượng phản xạ tầng điện ly, nhờ đó có thể xuyên thủng đường chân trời vô tuyến điện từ.
Mặc dù vậy độ chính xác của chúng lại quá kém, do sóng radar bị phản xạ lại nhiều lần nên tín hiệu rất mờ nhạt, ước tính đài Mineral-ME chỉ xác định được mục tiêu là khu trục hạm 10.000 tấn ở đâu đó trong một ô vuông có cạnh là 2 km ở ngoài đường chân trời mà thôi.
Như vậy, nếu bắn tên lửa căn cứ vào dữ liệu trên, đạn sẽ phải bay kịch trần đề đầu dò radar chủ động có thể nhìn thấy đối phương (vì radar trên tàu mẹ không xác định được chính xác tọa độ).
Cần lưu ý thêm rằng góc quét của đầu dò này rất hẹp, nếu bay bám biển thì có nguy cơ bắn trượt cực cao.
Trường hợp các chuyên gia giả định là tàu Karakurt của Nga gặp phải Sa'ar 5 của Israel, nhờ trang bị tên lửa phòng không tầm bắn 70 km kết hợp radar mảng pha chủ động EL/M-2248 MF STAR tầm trinh sát 250 km, nó sẽ dễ dàng bắn hạ đạn 3M-54 khi đó đang bay ở vận tốc Mach 0,8 từ rất xa để kéo tàu Nga vào "loạt đấu súng" cự ly gần.
Qua tình huống giả định trên, dễ nhận thấy vai trò của trực thăng hạm tàu lại càng trở nên quan trọng.
Đối với trực thăng có trang bị radar và kết nối dữ liệu với tàu mẹ như Z-9D của Trung Quốc hay MH-60R Sea Hawk của Mỹ, chúng sẽ bay lên phía trước, đến khu vực nghi ngờ rồi bật radar của mình, truyền dữ liệu về cho tên lửa khai hỏa.
Phương thức này giúp cho tên lửa YJ-83 hoặc Harpoon ít nhất cũng đạt đến cự ly chính xác là 100 km.
Hiện tại chiến hạm lớn của Nga chủ yếu mang Ka-28 để săn ngầm, chúng không có trực thăng đa năng kiểu như trên, cho nên đây là điểm yếu chí tử khiến tên lửa 3M-54 khó phát huy tác dụng tối đa nếu đánh độc lập.
Trong tương lai, Hải quân Nga phải nghĩ tới phương án đưa phiên bản Ka-32A7 lên tàu chiến có sẵn hangar để vừa có thể săn ngầm, vừa dẫn bắn tên lửa chống hạm nhằm vượt qua giới hạn đường chân trời vô tuyến điện từ.
Còn đối với tàu cỡ nhỏ như Buyan-M hay Karakut, chúng bắt buộc phải tác chiến trong biên đội (có sự hỗ trợ từ trên không) nếu muốn vũ khí phát huy tối đa tác dụng.
Theo Báo Đất Việt