(Baonghean) - Đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nghệ An, Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt để khám phá và trải nghiệm đời sống văn hóa độc đáo và thú vị.
Taras Ivanov (CHLB Nga, sinh viên Khoa tiếng Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội):“Tôi đã ghé thăm Nghệ An nhiều lần, trong đó có cả dịp Tết. Tôi rất thích thú khi được tham gia gói bánh chưng, làm mứt dừa với gia đình bạn bè tại huyện Quế Phong. Tôi được đến một số vùng ở miền Tây Nghệ An nhưng thật tiếc là chưa từng tham gia lễ hội năm mới nào ở đó. Tết Bính Thân, tôi hy vọng có thể sắp xếp thời gian để tham gia lễ hội mùa xuân, gặp gỡ người dân tộc và tìm hiểu các trò chơi dân gian, để mở rộng vốn hiểu biết văn hóa của mình về miền Tây xứ Nghệ”.
Dustin Gerding (Giáo viên người Mỹ giảng dạy tại Trung tâm tiếng Anh ASEM): “Tôi ở Nghệ An hơn 2 năm, rất yêu con người, cảnh vật xứ Nghệ và hào hứng chờ đón Tết cổ truyền tại đây. Năm ngoái, lúc 0h tôi đã có mặt tại Quảng trường Hồ Chí Minh, cùng vài người bạn thân thiết xem bắn pháo hoa và ca hát chúc mừng năm mới. Tôi đặc biệt ấn tượng với phong tục lì xì của người dân Việt Nam. Tôi được bố mẹ của một người bạn mừng tuổi, chúc tôi những điều tốt đẹp. Năm nay, tôi dự định tiếp tục đón giao thừa ở Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh), sau đó về Nghi Lộc để thưởng thức bữa tiệc đầu năm. Tôi đã chuẩn bị một số tiền mới để lì xì cho mọi người”.
JohnPerryman (Cựu chiến binh Mỹ): “Tôi hạnh phúc khi được khám phá Nghệ An vào dịp Tết Nguyên đán, ở tại nhà dân và xem cách họ trang trí, sắm sửa chuẩn bị đón năm mới. Khác với ở Mỹ, dịp Giáng sinh và đầu năm mới, chúng tôi thường tụ tập ăn uống, nói chuyện tại các nhà hàng, quán bar, thì không khí mùa Xuân ở Nghệ An thật ấm áp. Ở thành phố, trẻ em ăn mặc rực rỡ, được bố mẹ đưa đi chúc Tết láng giềng, họ hàng và người thân. Trong những chuyến du ngoạn, ấn tượng nhất trong tôi là nụ cười ngây thơ bừng sáng của trẻ em vùng cao, dù các em còn chịu nhiều thiếu thốn”.
Sean Laurence (Giáo viên người Mỹ, giảng dạy tại Trung tâm tiếng Anh Global): “Đối với tôi, Nghệ An là nơi tuyệt vời nhất, bởi vì ở đây, tôi đã kết hôn cùng một cô gái Nghệ An xinh đẹp, thông minh và nhân hậu. Đây là năm đầu tiên chúng tôi đón Tết cổ truyền cùng nhau, nên tôi vô cùng háo hức. Được chờ đón thời khắc giao thừa cùng gia đình vợ, trò chuyện về lịch sử, văn hóa với những người lớn tuổi trong họ hàng cô ấy, đó chắc hẳn sẽ là những trải nghiệm, cảm xúc tuyệt vời. Tôi đang học cách làm chả cuốn và các món ăn truyền thống để vào bếp năm mới. Đầu năm, chúng tôi dự định sẽ tham quan Vườn Quốc gia Pù Mát. Về phong tục lì xì của người Việt Nam, tôi cảm thấy rất thú vị, nó giống như việc tặng quà dịp Giáng sinh của người phương Tây. Cùng với đó, ai cũng vui vẻ trao cho nhau những lời chúc ấm áp nhất”.
Kim Ji Hong (Hàn Quốc, Giám đốc nhà hàng): “Ở Hàn Quốc cũng đón Tết âm lịch nhưng có nhiều nét văn hóa khác với Việt Nam. Chẳng hạn, vào đêm giao thừa không ai ngủ cả, vì người dân quan niệm, nếu ngủ thì sáng hôm sau tóc, lông mi sẽ bị bạc trắng, đầu óc u mê, kém minh mẫn. Khi cúng sang canh, người Hàn phải đặt hơn 20 món ăn lên bàn thờ, như món ttok-kuk (một loại phở), bánh bao, chè quế, các thức ăn truyền thống khác… Nhưng nhìn chung, cũng như ở Việt Nam, Tết là dịp để các thành viên trở về đoàn tụ gia đình, quây quần bên nhau, trao gửi những lời chúc yêu thương tốt đẹp. Năm nay, do tính chất công việc, tôi sẽ có mặt ở Nghệ An từ ngày mùng 4 Tết. Với những điểm tương đồng và độc đáo về văn hóa so với Hàn Quốc, tôi khá háo hức chờ đón Tết cổ truyền của Việt Nam”.
Hoàng Vân (ghi)