(Baonghean) - Mấy ngày qua, thông tin về những chiếc tàu ngầm mini mang tên Yết Kiêu sau nhiều năm trời bì bõm ngụp lặn (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), mà vẫn không tài nào nhấc mình thoát ra khỏi bể bơi bởi cái gọi là siêu thủ tục hành chính, nay bỗng nhiên được một công ty bên tận Malaysia đặt mua, đã làm “quan ngại” không ít người lâu nay vốn dĩ “rất có trách nhiệm”!
Dư luận lúc này quả là khó “định hướng” trước cú đánh úp khá bất ngờ đến từ viễn xứ! Ngạc nhiên có, thán phục có, tự hào có, băn khoăn có, tủi thân có, tiếc có, thậm chí giận cũng có! Trước hết, nói về ngạc nhiên. Ngạc nhiên quá đi chứ, trong lúc những người điều hành “quả đấm thép” Vinaline đang kỳ kèo mặc cả nhằm rước cái ụ nổi đã qua tuổi “tri thiên mệnh” về làm “của chìm” thì ông ông Phan Bội Trân, một Việt kiều sống ở Thành phố Hồ Chí Minh (hậu duệ của cụ Phan Bội Châu) lại bỏ tiền túi ra để mày mò chế tạo thành công tàu ngầm mini...
Vậy thì sao lại không ngạc nhiên! Mà cũng không chỉ ngạc nhiên đâu! Trong lúc hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn đề án, đề tài hay là công trình khoa học gì đó tiêu tốn cả tỷ, chục tỷ, nhiều chục tỷ vẫn “lang thang” đâu đó ngoài thực tiễn cuộc sống, thì chỉ một cá nhân âm thầm, lặng lẽ lại làm nên cùng lúc được cả mấy cái tàu ngầm! Không hề có những bản đề án đóng bìa dày cộm, không hề có hội đồng khoa học duyệt lên duyệt xuống, cũng không hề xuất hiện chủ đề tài bảo vệ xuống... bảo vệ lên, vậy mà ung dung nó - cái tàu ngầm do chính người Việt chế tạo trong hoàn cảnh không sử dụng đến một đồng tiền thuế ấy, vẫn từ xưởng cơ khí gia đình, hạ thủy thành công xuống... bể bơi tập thể! Một con người giỏi, bản lĩnh, đam mê như thế sao lại không thán phục cơ chứ!
Chưa hết, nếu chỉ dừng lại ngạc nhiên và thán phục e chưa đủ, mà còn xen cả chút tự hào nữa! Khát vọng người Việt Nam, trí tuệ người Việt Nam, tay nghề người Việt Nam và cả tâm huyết người Việt Nam nào đâu có kém cạnh chi ai. Đâu phải giản đơn, cũng nào đâu ấu trĩ để rồi người ta tận bên Malaysia phải “mò” sang đây xem cho được “hàng”, rồi quyết định đặt mua liền 4 cái! Đành rằng, bên cạnh tự hào ấy là sự băn khoăn nghiêm túc. Băn khoăn trước câu hỏi cũ mèm rằng, bao giờ thì những sản phẩm dám “qua mặt quốc doanh” này mới thoát ra khỏi cái “bể bơi” tứ bề thủ tục? Đã từng và sẽ còn có bao nhiều người đam mê nhưng nản lòng trước sự truy cản của bức tường vô hình mang danh hành chính vừa sừng sững, lại vừa tầng tầng, lớp lớp kia?
Thử hỏi, nếu không có công ty nước ngoài nọ đến “chạm ngõ” thì liệu số phận những chiếc tàu ngầm mini ấy còn phải xếp hàng chờ cái thủ tục xưa nay vốn dĩ rất giỏi làm mình làm mẩy ấy thêm bao nhiêu năm nữa? Còn tủi thân, có ai tủi thân không? Sao lại không! Người mình, vật tư, vật liệu cũng mình, chế tạo cũng ngay trên đất nước mình mà mình không được dùng (vì sợ không dùng được?), rồi để cho người ta tận đâu đâu đến mua. Câu chuyện này làm cho chúng ta liên tưởng đến sự hoang phí về trí tuệ. Thậm chí, người bi quan còn cho rằng, câu khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn đang nằm trong... cặp. Không tính chuyện thua thắng, nhưng rõ là mất oan. Còn nói giận, sao lại giận? Giận ai? Giận cái gì? Xin thưa, giận cái gọi là thủ tục hành chính ấy. Thật là tiếc khi đây không phải là ví dụ kinh điển, cũng không phải là lần đầu. Cái rườm rà nhiêu khê, cái “tinh thần” đùn đẩy, cái mớ bòng bong của trách nhiệm và giấy tờ đã tạo nên được một dấu ấn đậm “trong và ngoài nước”. Chỉ có điều, đây lại là dấu ấn buồn!
Không thể phủ nhận nỗ lực của chúng ta trong những năm qua trên lĩnh vực cải cách hành chính. Từ “Chính phủ điện tử” đến “chuẩn ISO”, nào là “thông quan điện tử”, đến “Cơ chế một cửa”, rồi thì “Cơ chế một cửa liên thông”, rồi thì “Văn hóa công sở”, rồi thì bãi bỏ hàng trăm giấy phép con, tiến tới thẻ căn cước định danh cá nhân... Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt văn bản hòng kéo cái hành chính bất kham vào quy củ. Các địa phương cũng theo đó mà sốt sắng vào cuộc. Hàng loạt mô hình tiến bộ được áp dụng và cho kết quả khá tích cực bước đầu. Cái được đương nhiên là có, cái được lớn nhất, quan trọng nhất ấy là nhận thức. Chúng ta đã gọi đúng tên lực cản khủng khiếp của nền hành chính trì trệ. Chúng ta đã nhận ra một nền hành chính lành mạnh, khoa học, thông suốt sẽ là động lực không chỉ mở ra mà là thúc đẩy sự phát triển.
Cải cách là tất yếu, nhưng mọi nỗ lực cải cách dường như vẫn quá chậm, quá ì ạch. Thậm chí, có nơi, có lúc càng cải cách, càng thấy rối? Vì sao? Phải chăng sự rối rắm của thủ tục chính là mảnh đất màu mỡ cho các “nhà tiêu cực” hoành hành? Hay là năng lực chuyên môn của cán bộ thực thi công vụ non kém, dẫn đến “hội chứng sợ sai”? Chính vì làm cái gì cũng cảm thấy chưa đúng đã đẻ ra bao cơ ngàn trùng thủ tục “nỏ giống ai”? Chả thế mà trong cuộc tiếp xúc cử tri ở phường nọ, một cụ bà sau khi lấy được bìa đỏ đã đứng lên “khen” cán bộ địa chính là “Các chú ấy rất giỏi... bịa”!
Trở lại với câu chuyện tàu ngầm xuất ngoại. Trả lời phỏng vấn, chủ nhân của những chiếc tàu ngầm mini, ông Phan Bội Trân bày tỏ: “Tôi buộc phải đưa tàu ngầm của mình bán ở nước ngoài, dù đối mặt với nguy cơ bị sao chép công nghệ, nhưng không còn cách nào khác. Phải nói rằng, từ chính phủ cho đến tư nhân của họ, họ nhìn nhận rất nhạy những vấn đề mang lại lợi ích kinh tế ngay lập tức!”. Ông còn sợ mai mốt, người ta tiến hành sản xuất đồng loạt rồi quay trở lại bán cho nước mình! Vì sao? Vì đến nay mình vẫn chưa đăng ký sở hữu trí tuệ được. “Cay” thật! Có lẽ, ai đó cần phát minh ra một loại “tàu ngầm” có khả năng len lỏi qua các cảnh cửa hẹp của thủ tục hành chính - tàu ngầm trên cạn?!
Nguyễn Khắc An