Tàu thăm dò Parker thực hiện thành công vòng bay thứ nhất quanh Mặt Trời và tiến vào vòng bay tiếp theo. Theo kế hoạch, con tàu sẽ di chuyển quanh ngôi sao này 24 vòng và tận dụng lực hấp dẫn của sao Kim để dần thu hẹp quỹ đạo.
Parker được phóng lên vũ trụ từ Trạm không quân Cape Canaveral, Florida, Mỹ, ngày 12/8/2018. Con tàu vượt qua lần tiếp cận gần đầu tiên vào ngày 5/11/2018, khi khoảng cách với Mặt Trời là 24 triệu km. Ngày 19/1, nó ở vị trí xa Mặt Trời nhất trong quỹ đạo, gọi là điểm viễn nhật.
Con tàu đã gửi về 17 Gb dữ liệu khoa học từ chuyến bay đầu tiên, NASA cho biết. Đến tháng 4, nó sẽ truyền toàn bộ thông tin thu thập được.
"Chuyến bay đầu tiên rất tuyệt vời và đem lại nhiều thông tin mới. Chúng tôi biết thêm nhiều điều về cách con tàu hoạt động và phản ứng với môi trường Mặt Trời. Tôi tự hào rằng các dự đoán của nhóm nghiên cứu rất chính xác" - Andy Driesman, quản lý dự án tàu thăm dò Parker, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết.
"Chúng tôi luôn nói rằng mình không biết nên kỳ vọng gì cho đến khi xem dữ liệu. Dữ liệu nhận được gợi ra nhiều thứ mới mẻ mà chúng tôi chưa từng quan sát. Tàu thăm dò Parker đang trên đường thực hiện sứ mệnh khám phá những bí ẩn của Mặt Trời", nhà khoa học Nour Raouafi chia sẻ.
Tàu Parker đã phá kỷ lục bay gần Mặt Trời nhất do tàu Helios 2 xác lập năm 1976. Con tàu cũng lập kỷ lục mới cho vật thể nhân tạo với tốc độ bay lên đến hơn 343.000 km/h. Những kỷ lục này sẽ còn thay đổi trong quá trình tàu Parker thực hiện sứ mệnh của mình.
Hiện tại, để chuẩn bị cho vòng bay thứ hai, các kỹ sư xóa bớt dữ liệu trên tàu. Đây chính là phần dữ liệu đã được truyền về trái đất. Họ cũng gửi đi thông tin cập nhật về vị trí, cách định hướng và những chỉ dẫn trong khoảng một tháng tiếp theo.