(Baonghean) - Trước thực tế nền sản xuất nông hộ bộc lộ không ít hạn chế, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) chuyển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng tạo sản phẩm hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, CĐML vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của sản xuất nông nghiệp. Theo đó, hướng đi xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) được xem là giải pháp cho thời gian tới.
Từ năm 2013, xã Nam Cường (Nam Đàn) bắt đầu xây dựng mô hình CĐML với 30 ha trồng lạc. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp KHKT, năng suất lạc đạt bình quân 2,2 tạ/sào, tăng 10 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Ông Thái Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Toàn xã có 260 ha đất phù sa rất phù hợp với cây lạc, đồng thời trên địa bàn và một số xã giáp ranh của huyện Hưng Nguyên có một hệ thống thu gom, chế biến sản phẩm lạc nên ngoài liên kết với doanh nghiệp, đây cũng là "kênh" quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ lạc. Thời gian tới, nhất là khi có chủ trương xây dựng CĐL, Nam Cường sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để mở rộng diện tích sản xuất lạc thâm canh.
Việc xây dựng các CĐML đã được triển khai đồng loạt trên địa bàn cả tỉnh từ vụ xuân 2013 với 15 mô hình, trong đó, 10 mô hình sản xuất lúa, 3 mô hình sản xuất ngô, 2 mô hình sản xuất lạc. Qua các năm 2014 và vụ xuân 2015, triển khai thêm 13 mô hình mới. Theo đánh giá chung, các mô hình CĐML có năng suất, sản lượng tăng từ 10 -15% so với sản xuất đại trà, giá trị thu nhập đạt mức bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm chủ yếu là lúa chất lượng cao như AC5, Vật tư NA2... dễ tiêu thụ, giá trị cao và chủ yếu được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn lúa thường ít nhất 10%.
Đặc biệt, qua thực hiện mô hình đã hình thành tập quán sản xuất có đầu tư đúng, đủ theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, nhất là đối với bà con vùng miền núi, biên giới. Điển hình như việc xây dựng CĐML sản xuất lúa tại xã Môn Sơn (Con Cuông), Tam Thái (Tương Dương), Quế Phong, Quỳ Châu… đạt kết quả tốt, từ đó từng bước tạo tập quán sản xuất tiên tiến cho người dân. Đồng thời, tạo được mối liên kết bền vững giữa Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, khẳng định tính bền vững, hiệu quả trong thực hiện liên kết “4 nhà”.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các CĐML vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, tính bền vững của một số mô hình chưa cao, việc nhân rộng mô hình, nhất là ở một số huyện miền núi còn hạn chế; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại một số mô hình chưa chặt chẽ, nhất là việc tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa đảm bảo, chủ yếu còn tập trung ở các yếu tố đầu vào của sản xuất như cung ứng giống, cho vay phân bón... chứ chưa giải quyết hiệu quả đầu ra sản phẩm.
Việc xây dựng mô hình có rất nhiều hộ tham gia, trong khi năng lực đầu tư, trình độ, tập quán sản xuất sản xuất của các hộ không đồng đều, làm ảnh hưởng đến chất lượng mô hình. Trên địa bàn tỉnh, chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh tham gia, nhất là ở lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch, tham gia xuất khẩu nông sản nên việc tiêu thụ sản phẩm còn bất cập. Trong khi đó, việc chấp hành các quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm của nông dân còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả xây dựng các CĐML.
Xây dựng các cánh đồng lớn (CĐL) được coi là một bước đi tiếp nối, phát huy những thành quả đã đạt được qua 3 năm xây dựng các CĐML trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề cấp thiết, nhằm tạo bước đột phá chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hàng hóa. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành - ông Nguyễn Văn Dương chia sẻ: “Là một trong những địa phương được chọn để xây dựng các CĐML trên cây lúa, những năm qua, huyện tập trung thực hiện và đạt được những kết quả đáng mừng.
Tại các mô hình CĐML, chủ yếu sử dụng các giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao như Vật tư NA2, AC5, Thiên Nguyên ưu 9, BTE1... cho năng suất bình quân đạt từ 70 - 75 tạ/ha vụ xuân và vụ hè thu đạt gần 65 ta/ha, nhìn chung người dân có thu nhập cao hơn sản xuất đại trà từ 10 - 15%. Trước chủ trương xây dựng CĐL, Yên Thành sẽ tiến hành quy hoạch, xác định những diện tích đủ điều kiện để có thể xây dựng CĐL trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết cùng nông dân cũng như tìm giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện cho nông dân như HTX, tổ hợp tác.
Xây dựng CĐL ngoài mục đích chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao, còn giúp hình thành nhóm hộ sản xuất cùng áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ giống, canh tác, cơ giới hóa, quản lý đồng ruộng, cây trồng và dịch bệnh tạo một chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, là tiền đề cho một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Các CĐL sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập từ 7 - 10% so với cách thức sản xuất cũ. Để đạt được mục tiêu đó, việc xây dựng các CĐL phải đảm bảo việc áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất được thống nhất giữa các bên tham gia và đảm bảo phát triển bền vững. Đặc biệt, phải có hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp đồng. Theo kế hoạch, từ năm 2015 - 2020, toàn tỉnh sẽ có 7.789 ha lúa sản xuất theo phương thức CĐL ở 14 huyện, thị. Ngoài ra có 2.188 ha ngô ở 11 huyện, thành thị; 432 ha lạc ở 6 huyện, thành, thị; trên 477 ha rau, 450 ha chè, 1.360 ha mía và 230 ha cam.
Để thực hiện được chủ trương xây dựng CĐL, phải phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương trong tuyên truyền và thực hiện; có giải pháp phù hợp vận động doanh nghiệp cùng vào liên kết xây dựng CĐL, vừa hỗ trợ cho nông dân, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Đồng thời, tùy đặc điểm từng vùng để bố trí ứng dụng KHCN phù hợp để đảm bảo chi phí thấp, thu nhập cao, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản và tăng giá trị sản xuất cho nông dân.
Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến hiện đại nhằm giảm hao hụt sau thu hoạch. Ưu tiên kêu gọi, lựa chọn các doanh nghiệp vào đầu tư, sử dụng công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản tốt trong việc tham gia thực hiện CĐL. Đặc biệt, cũng theo ông Nguyễn Văn Lập, cần có biện pháp phù hợp để hình thành các HTX, tổ hợp tác mới phù hợp với thực hiện CĐL để liên kết với doanh nghiệp trên cơ sở tự nguyện, đúng luật HTX và đảm bảo thực hiện hiệu quả trong việc ký kết với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đem lại hiệu quả cao.
Phú Hương