(Baonghean) - Để góp sức xây dựng nông thôn mới (NTM), lực lượng đoàn viên, thanh niên với sức trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã trực tiếp chung sức thực hiện nhiều phần việc. Mỗi nơi chọn một cách làm nhưng tựu trung là lớp trẻ đã ý thức cao về trách nhiệm chủ thể tại các địa phương.
Những công trình do thanh niên làm chủ
Với nhiều vùng nông thôn, việc ngày càng có nhiều thanh niên ở lại quê nhà phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại được kỳ vọng là nền tảng quang trọng. Đó không chỉ là hướng giải quyết việc làm tích cực mà còn khẳng định vai trò chủ thể của thanh niên trong xây dựng NTM.
Ở xã Tân Phú (Tân Kỳ), nhiều người biết đến gương làm ăn giỏi của Bí thư Đoàn xã Lê Anh Hùng (sinh năm 1982) ở xóm Hạ Sưu. Hùng vừa nuôi cá diêu hồng, nuôi lợn đàn, gà thịt, doanh thu mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng. Anh Hùng cho biết: “Ngoài nuôi cá, tôi còn có trang trại nuôi lợn thịt, trồng keo. Để có ngày hôm nay, cũng nhờ Đảng ủy, UBND xã tin tưởng cho gia đình tôi nhận dự án nuôi cá diêu hồng, đầu tư hỗ trợ vốn nguồn KHCN, từ đó tôi mới mạnh dạn phát huy hiệu quả, làm giàu cho gia đình và tạo mô hình cho đoàn viên thanh niên học hỏi”. Huyện Tân Kỳ còn nhiều thanh niên làm ăn giỏi, góp sức xây dựng NTM như anh Trần Văn Lực ở Nghĩa Hoàn kinh doanh lò ngói, trang trại tổng hợp đạt doanh thu 1,7 tỷ đồng/năm (2014); Đậu Tiến Sỹ ở xã Tân An doanh thu trên 500 triệu đồng/năm; Trần Thị Nga ở xóm Hạ Sưu, xã Tân Phú có trang trại tổng hợp đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động, Đặng Xuân Nam có trang trại đạt doanh thu 800 triệu đồng/năm. Cấp ủy, chính quyền huyện Tân Kỳ ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế còn giao đoàn thanh niên đứng ra nhận vốn từ huyện đầu tư trở lại cho thanh niên. Nhờ vậy các mô hình đều có sự hỗ trợ ban đầu làm nền tảng để phát triển. Với chủ trương luân chuyển cán bộ trẻ xuống cơ sở, Tân Kỳ cũng tạo ra luồng gió mới khi có không ít cán bộ trẻ tâm huyết, trăn trở cho phát triển kinh tế xã hội địa phương, từ đó góp phần xây dựng NTM giàu đẹp.
Anh Hoàng Ngọc Tịnh, sinh năm 1983, ở xóm Bói Lợi, xã Nam Cát (Nam Đàn) là một đoàn viên năng động. Hai vợ chồng Tịnh hiện đang sở hữu một trang trại có quy mô 20 con lợn nái, 150 con lợn thịt, 7 ao cá với diện tích hơn 1,5 mẫu và hàng trăm con gà, ngan, ngỗng. Tịnh chỉ thuê 1 lao động trả lương với mức 150.000 đồng/ngày cùng vợ chồng tích cực lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất, chăn nuôi của trang trai nhịp nhàng từ đầu vào cho đến đầu ra. Bên cạnh đó, anh còn kinh doanh vận tải vật liệu xây dựng. Anh Tịnh cho biết, do kinh doanh giống lợn siêu nạc, áp dụng đúng quy trình chăn nuôi sạch nên thực phẩm trang trại của anh cung cấp đều chiếm ưu thế cạnh tranh về giá và thị trường, doanh thu mỗi năm từ trang trại khoảng 400 - 500 triệu đồng, trong đó lãi ròng đạt khoảng 150 triệu đồng. Bí thư Đoàn xã Nam Cát, chị Đoàn Thị Minh Khuê cho biết: Trong xã có nhiều thanh niên đang tập trung xây dựng các mô hình kinh tế bền vững. Ban chấp hành đoàn xã phối hợp với các cấp, ngành để hỗ trợ thanh niên phát triển, nhân rộng mô hình kinh tế hộ. Làm giàu ngay tại quê nhà đang là sự khẳng định mạnh mẽ của thanh niên trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động trẻ trong công cuộc xây dựng NTM”.
Ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc), anh Nguyễn Văn Khấn sau 6 năm lao động ở Nga trở về nước, bằng nguồn vốn tích góp được đã lựa chọn con đường lập nghiệp tại quê hương. Trên cơ sở vùng đất nghèo của cha mẹ được chia theo Nghị định 64 dồn về một vùng và nhận khoán thêm đất của xã ở vùng đồng Ba Cây, anh Khấn đã đầu tư mở rộng phát triển trang trại trên diện tích 4,5 ha. Sau 3 năm vừa làm vừa học hỏi và thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề do xã tổ chức, hiện tại anh có trang trại chăn nuôi tổng hợp khá quy mô. Hôm chúng tôi đến thăm trang trại, trong chuồng có 9 con trâu thịt, 10 con lợn nái, 40 con lợn thịt, 500 con gà cỏ thả vườn, 15 con dê. Ngoài chăn nuôi, anh Khấn còn nuôi cá trên 6 sào diện tích ao; trồng lúa, trồng cỏ sữa trên diện tích 2 mẫu để phục vụ chăn nuôi. Anh Khấn chia sẻ: “Quá trình làm trang trại, nhờ sự động viên của đoàn xã và sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của chính quyền, đoàn thể ở địa phương, tạo điều kiện để vay vốn từ các ngân hàng, các chương trình. Đến nay, mỗi năm, trang trại có thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Đích đến của NTM không chỉ nhằm thay đổi diện mạo nông thôn ngày một văn minh mà quan trọng hơn, mang tính bền vững đó là nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Chính vì vậy, đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, làm giàu trên chính quê hương; từ đó có nguồn lực tái đầu tư trở lại, nâng cao các tiêu chí NTM theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết của mỗi địa phương. Thống kê của Tỉnh đoàn, hiện toàn tỉnh có hơn 500 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở các địa phương. Với sức trẻ, năng động, sáng tạo, đoàn viên, thanh niên sẽ là lực lượng “đi đầu, dậy trước” trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện thu nhập, tạo sự lan tỏa ở vùng nông thôn.
Nhân rộng những mô hình kinh tế bền vững
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ trong lao động, sản xuất nhưng số mô hình làm ăn giỏi của thanh niên so với tổng số đoàn viên thanh niên trong tỉnh vẫn còn quá ít và có một số mô hình thiếu tính bền vững. Nhiều vùng quê chưa tạo được địa chỉ là ”miền đất hứa”, rất nhiều thanh niên đang phải “tha phương cầu thực”. Có phải quê nhà thiếu đất, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn? Hay chính là thiếu sự định hướng, sự quan tâm đúng tầm đối với lực lượng lao động trẻ?
Đến nhiều xã đang xây dựng NTM, nhận thấy cấp ủy, hệ thống chính trị vẫn dành nhiều trăn trở cho tiêu chí hạ tầng, chợ, nhà văn hóa... trong khi đó tiêu chí thu nhập, sản xuất vẫn chưa được đề cao đúng tầm, nhất là khi xã đó đã đạt mức thu nhập theo chuẩn NTM. (Theo quy định năm 2015, vùng Bắc Trung Bộ thu nhập đạt chuẩn là 18 triệu đồng/người/năm, chỉ tiêu chung là 26 triệu đồng/người/năm). Nếu nhìn vào mức đạt tiêu chí thu nhập bình quân này, chắc hẳn chưa phản ánh chính xác đời sống của người dân.
Để tham gia xây dựng NTM, các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều nội dung, phần việc thiết thực, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, chung tay làm giao thông nông thôn, đoàn viên thanh niên tích cực tham gia, đảm nhận thực hiện gần 300 km đường bê tông, 200 km kênh mương nội đồng và hơn 650 phần việc thanh niên có giá trị. Ngoài ra, các cấp bộ đoàn còn vận động thanh niên tổ chức cưới hỏi theo nếp sống văn hóa, đảm bảo tiết kiệm, đoàn viên là nòng cốt tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động vui chơi, các ngày lễ lớn của địa phương như: ngày đại đoàn kết, đại hội thể dục thể thao, các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn... Đoàn cũng tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên không tham gia các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, nghiện hút, tàng trữ các vật dụng trái phép... Thông qua các hoạt động đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.
Không ít cấp ủy cho rằng thanh niên không có vốn, chưa có kinh nghiệm nên chưa đáp ứng cho các tiêu chí như thu nhập, sản xuất của NTM. Đồng chí Trần Ngọc Chí – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Nghi Phú (TP. Vinh) cho rằng: “Tuy Nghi Phú sắp về đích NTM, song do lực lượng thanh niên tại địa phương không nhiều nên cũng chưa huy động được sự đóng góp tích cực của đội ngũ trẻ để phát triển mạnh phong trào”. Còn Bí thư Đảng ủy xã Nam Cát – Nam Đàn, ông Vương Hồng Thái cũng thừa nhận: “Do thanh niên trên địa bàn xã đang đi làm ăn xa nhiều nên quá trình xây dựng NTM của xã, đảng ủy phân công cho thanh niên tham gia xây dựng giao thông, làm vệ sinh môi trường. Còn các mô hình kinh tế chưa nhiều...”.
Bí thư Đoàn xã Nam Cát – chị Đoàn Thị Minh Khuê cho rằng, một trong những lý do thanh niên chưa tham gia nhiều vào tiêu chí sản xuất, thu nhập là do đoàn viên, thanh niên chưa tiếp cận được các chương trình dự án sản xuất kinh doanh, các nguồn vốn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Nguồn vốn giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn xã không có. Hiện tại, Đoàn xã được nhận ủy thác vốn vay từ Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ gần 2 tỷ đồng, gồm 108 hộ vay đều là hộ nghèo và vay của học sinh, sinh viên. Cùng quan điểm, Bí thư Đoàn xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) - Nguyễn Thị Xoan cho rằng, việc hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, khơi dậy ý thức lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương của mình hoặc phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt thủ tục để mở nhà hàng, dịch vụ, cấp đất làm trang trại, còn việc hỗ trợ vốn đang rất khó khăn.
Một hướng đi mở đang được nhiều địa phương nhen nhóm là tạo “sân” cho nhiều thanh niên tham gia phát triển kinh tế, làm giàu ngay chính trên quê hương mình, đó là: Từ hệ thống các gia trại, trang trại thành công có thể nâng cấp qui mô, nhân rộng mô hình và thành lập các tổ hợp hoạt động theo hình thức HTX, hoặc doanh nghiệp... Điển hình ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), có 47 cơ sở chế biến nông sản, 3 cơ sở ấp trứng, 5 cơ sở gò hàn, 5 cơ sở sản xuất đồ nhôm kính, 17 cơ sở sản xuất đồ mộc, dịch vụ phát triển thì trong đó khoảng 50% là của hộ thanh niên. Ở nhiều địa phương cũng đã hình thành các tổ hợp tác như: tổ hợp tác (THT) sản xuất nước mắm Quỳnh Dị (Hoàng Mai): THT nuôi chim trĩ sinh sản xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu): THT trồng dưa hấu ruột đỏ tại xã Nam Tân (Nam Đàn); HTX chế biến gỗ Thiên Minh tại xã Tân Thành (Yên Thành); HTX nước mắm Cửa Hội (Cửa Lò), CLB giúp nhau làm kinh tế; mô hình “Ngân hàng bò”...
Thực tế cũng cho thấy nếu được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, cùng với sự hỗ trợ tích cực về định hướng phát triển, lực lượng thanh niên sẽ phát huy được hiệu quả. Cùng với sự nhạy bén trong suy nghĩ, tiếp cận với khoa học, kỹ thuật và sự đồng hành, cổ vũ của các cấp, ngành, hy vọng tới đây, thanh niên các địa phương vùng nông thôn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xây dựng NTM.
Châu Lan - Mai Hoa