Các đại biểu thành kính dâng hương, tưởng niệm Bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Thành Chung Sáng 24/1, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, Ban Quản lý khu di tích, xã Kim Liên, xã Nam Giang và đại diện dòng họ Nguyễn Sinh, họ Hoàng Xuân, họ Hà đã tổ chức Lễ giỗ Bà Hoàng Thị Loan lần thứ 121.
Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã về dự lễ, thành kính dâng hương tưởng niệm Bà Hoàng Thị Loan.
Cùng dự và dâng hương tưởng niệm, về phía Quân khu 4 có Thiếu tướng Phan Văn Sỹ - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh; đại diện huyện Nam Đàn và đông đảo người dân trong tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh, huyện... đã bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng tới thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Chung
Bà
Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, Tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An (nay là làng Hoàng Trù, xã
Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học, nhưng mọi người đều trực tiếp tham gia lao động.
Năm 1883, Bà Hoàng Thị Loan kết hôn cùng ông Nguyễn Sinh Sắc. Hai ông bà sinh ra được 3 người con yêu nước, trong đó người con thứ ba là Nguyễn Sinh Cung sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương dâng hương tưởng niệm Bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Thành Chung
Năm 1895, Bà Hoàng Thị Loan vào Kinh đô Huế, lấy nghề dệt vải làm kế sinh nhai nuôi chồng ăn học, nuôi các con thơ. Năm Canh Tý (1900) sinh thêm người con thứ 4 là cậu Nguyễn Sinh Xin trong hoàn cảnh thiếu thốn, vất vả. Trong lúc ông Nguyễn Sinh Sắc đi coi thi Hương ở tỉnh Thanh Hóa, không may ở nhà, Bà bị lâm bệnh nặng. Mặc dầu được cậu Nguyễn Sinh Cung cùng bà con lối xóm đã tận tình thuốc thang, cứu chữa, nhưng do căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe quá yếu, ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10/2/1901), bà Hoàng Thị Loan đã trút hơi thở cuối cùng, về cõi vĩnh hằng. Bà được bà con, làng xóm và cậu Nguyễn Sinh Cung đưa tới nơi an nghỉ tại núi Tam Tầng, thuộc dãy núi Ngự Bình bên dòng Hương Giang ở kinh thành Huế.
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã đến tưởng niệm Bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Thành Chung
Cuộc đời Bà Hoàng Thị Loan là tấm gương sáng về phẩm chất giản dị, khiêm tốn, đức hy sinh to lớn, lòng nhân ái bao dung, nếp sống giản dị, thanh cao, yêu lao động. Điều đó được phản ảnh rõ nét trong cuộc đời của các con bà sau này và nổi bật nhất là ở Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất.
Bà Hoàng Thị Loan đã ảnh hưởng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một nền văn hóa dân gian mang đậm bản sắc địa phương, truyền thống dân tộc, phản ánh trung thực những khát vọng, ý nguyện và phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân. Ở đâu, Bà cũng thể hiện một lối sống trong sáng, có nghĩa, có tình, được mọi người yêu mến, kính trọng. Bằng tấm lòng và sự mẫn cảm của người mẹ, Bà đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ cho các con những bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý ở đời, đạo lý làm người…
Người dân huyện Nam Đàn đến dâng hoa, dâng hương nhân ngày giỗ Bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: Thành Chung
Tại lễ giỗ lần thứ 121, các đại biểu đã thành kính dâng hương, tưởng niệm; bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng cuộc đời giản dị, thủy chung sâu sắc, nặng tình, nặng nghĩa của Bà; nguyện hứa đoàn kết, ra sức xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp; ra sức bảo vệ, gìn giữ và phát huy những di sản vô giá về quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê./.