P.V:Ông có thể cho biết về tính nguy hiểm của bệnh dại đối với sức khỏe con người, vật nuôi?
Ông Đặng Văn Minh: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại là một bệnh phổ biến trên toàn thế giới, do virus gây ra và khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người.  
Động vật nhiễm bệnh dại sẽ lây nhiễm bệnh cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn. Trong một vài trường hợp, bệnh có thể được lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi. Chẳng hạn, động vật bị nhiễm bệnh nhưng vẫn còn trong giai đoạn ủ bệnh liếm lên vết thương trên da bạn là bạn đã có thể bị nhiễm bệnh. Người bị chó cắn nếu không tiêm phòng sẽ có thể phát bệnh dại.
Nguy cơ nhiễm dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như con vật có bị dại hay không, lượng virus trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương nông hay sâu, có vệ sinh sát khuẩn vị trí tổn thương kịp thời ngay sau khi bị chó cắn hay không… 
12686197_2162021.jpgĐộng vật nhiễm bệnh dại sẽ lây nhiễm bệnh cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn. Ảnh minh họa

Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tiêm phòng ngay sau bị chó cắn vẫn là biện pháp phòng tránh và bảo vệ hiệu quả nhất.

Hàng năm, bệnh dại vẫn gây tử vong cho 60.000 - 70.000 người và hàng triệu loài động vật trên toàn thế giới. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, khi phát bệnh, 100% cả người bị cắn và vật cắn đều tử vong. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến tính mạng.

P.V:Như vậy, căn bệnh này gây tử vong với tỷ lệ rất cao trên người và vật nuôi. Vậy thực tế những năm qua, công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh ta đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Văn Minh:Để phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của bệnh dại, thì quản lý và tiêm phòng cho đàn chó, mèo là một giải pháp có tính quan trọng hàng đầu. Và trong tiêm phòng, để đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt ít nhất 70% tổng đàn; đồng thời phải tiêm bổ sung cho chó, mèo phát sinh hoặc bị bỏ sót chưa được tiêm, nhất là với những huyện đã có trường hợp người tử vong do bệnh dại. 
Thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021; ngày 29/11/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 708/KH-UBND về thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2018 - 2021 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Để phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của bệnh dại, thì quản lý và tiêm phòng cho đàn chó, mèo là một giải pháp có tính quan trọng hàng đầu. Ảnh minh họa

Đến hết năm 2020, các địa phương đã triển khai Kế hoạch 708/KH-UBND và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Dịch bệnh dại trên động vật cũng như trên người hàng năm giảm; năm 2020 có 6 trường hợp người tử vong vì bệnh dại, giảm 3 ca so với năm 2019 và giảm 9 ca so với năm 2016. Các địa phương đã thực hiện công tác quản lý đàn chó; thông tin tuyên truyền và nhận thức về phòng, chống bệnh dại đã được nâng cao hơn trước; công tác điều tra, giám sát kịp thời phát hiện các ổ dịch bệnh ở một số huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Nghĩa Đàn… được thực hiện tốt. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện triển khai kế hoạch chưa đầy đủ, quyết liệt, chưa trích kinh phí để thực hiện chương trình, tình trạng chó thả rông còn nhiều, tỷ lệ tiêm phòng dại chó hàng năm thấp… Nhằm tăng hiệu quả miễn dịch cho đàn vật nuôi, hàng năm, trên địa bàn toàn tỉnh, Nghệ An tổ chức triển khai 2 đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh vào tháng 4,5 và tháng 9,10. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh vẫn đang rất thấp dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Bình quân tỷ lệ tiêm vắc-xin dại chỉ đạt chưa đầy 30% tổng đàn chó; nhiều năm chỉ đạt trên 25%, tương đương khoảng chưa đầy 130.000 con; thậm chí một số huyện như Kỳ Sơn, Quế Phong… còn bỏ trống không tiêm phòng. Đây là yếu tố dẫn đến nguy cơ rất lớn trong đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, nhất là trong mùa nắng nóng.
P.V: Theo ông, để chủ động phòng, chống bệnh dại hiệu quả, hạn chế thấp nhất số người tử vong, điều trị dự phòng bệnh dại hàng năm, những giải pháp nào cần gấp rút được đẩy mạnh thực hiện cả trước mắt cũng như lâu dài?
Ông Đặng Văn Minh: Phải khẳng định lại, tiêm phòng là biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng, chống bệnh dại. Để công tác tiêm phòng đạt kết quả cao, thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc, tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch phòng, chống bệnh dại cuối năm 2021 của địa phương, ưu tiên bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện. Tổ chức tổng kết Kế hoạch khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn, đánh giá, phân tích chi tiết các nội dung và kết quả đạt được; các nội dung chưa làm được, tồn tại, bất cập, khó khăn, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; đề xuất cụ thể các nội dung, giải pháp phòng, chống bệnh cho giai đoạn 2022-2030 sắp tới, báo cáo UBND tỉnh. 
Tập trung chỉ đạo tổ chức tiêm phòng đàn chó đạt 100% diện tiêm theo quy định; thường xuyên tiêm bổ sung cho chó nuôi đã đến tuổi tiêm phòng mà chưa được tiêm, tránh bỏ sót đối tượng phải tiêm phòng. Cập nhật biến động đàn chó, ký cam kết đối với các hộ mới nuôi chó, tiếp tục tuyên truyền việc chấp hành xích nhốt chó, khi ra đường có người dắt, rọ mõm theo quy định. 
Cán bộ thú y huyện Đô Lương tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó nhà của người dân. Ảnh: Phú Hương

Tổ chức tập huấn kỹ thuật phòng, chống bệnh dại, kỹ năng bắt chó để tiêm phòng và điều tra, xử lý ổ dịch cho đội ngũ phụ trách công tác chăn nuôi thú y cơ sở, đội bắt chó cấp xã.  Đồng thời, cập nhật thông tin số người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó cắn để điều tra dịch bệnh trên động vật, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi chó mắc bệnh dại, báo cáo, xử lý ổ dịch bệnh tại cơ sở kịp thời.

Đặc biệt, tăng cường thời lượng tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại để người dân hiểu, tích cực tham gia; tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị trấn, khu đông dân cư... trên địa bàn.
Ngành Y tế cần đảm bảo đầy đủ số lượng vắc-xin, kháng huyết thanh để tiêm phòng kịp thời cho người bị chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại cắn. Kiện toàn và mở rộng số lượng các điểm tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là khu vực có nguy cơ cao; điều tra dịch tễ bệnh dại trên đàn vật nuôi tại các địa bàn có liên quan với bệnh nhân.
 
Bệnh dại là nguyên nhân gây khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm, và hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam là do chó dại cắn. Với trung bình 10 ca tử vong và 7.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng mỗi năm, Nghệ An là 1 trong 16 tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại.