Theo đó, cháu N.V.Đ, 5 tuổi, trú tại Tân Sơn, Quỳnh Lưu được đưa tới bệnh viện trong trạng thái tâm lý hoảng sợ với vết thương lóc da đầu diện tích lớn bao gồm vùng trán, thái dương đỉnh chẩm T, lộ cân galia, lộ xương sọ. Người nhà bệnh nhi cho biết, cháu bị chó nhà cắn ở vùng đầu, mặt. 
bna_cho_can6366902_492020.jpgVết thương lớn ở vùng đầu khiến cháu bé đau đớn và hoảng loạn. Ảnh: Trần Hiền

Theo lời kể của người thân bệnh nhi, con chó tấn công cháu Đ đã được gia đình nuôi nhiều năm để trông nhà. Chó mới đẻ nên hung dữ, cháu Đ trêu đùa và đã bị chó cắn, gây nhiều vết thương nghiêm trọng.

Tại thời điểm xảy ra sự việc, chó đang được thả rông (không xích, không rọ mõm).

Bệnh nhi nhanh chóng được các bác sỹ khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An xử trí vết thương, truyền dịch, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng kháng sinh, giảm đau, băng ép vết thương và hội chẩn cấp cứu để khâu vết thương, tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng chó dại.

Trong thời gian qua, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị chó cắn, một số trường hợp chỉ bị xước nhẹ nhưng cũng có trường hợp bị nặng và phải khâu như trường hợp của cháu Đ.
Hầu hết các trường hợp bị chó cắn thường là do chủ quan cả từ phía gia đình nuôi chó và từ phía trẻ. Qua đây, các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ.
Nhà có trẻ con thì không nên nuôi giống chó to và dữ; khi nuôi chó phải tiêm phòng đầy đủ, chó phải được thuần dưỡng, xích, rọ mõm... Nếu trường hợp chó cắn trẻ, người dân cần làm sạch vết thương, rồi đưa đến Trung tâm y tế gần nhất./.