(Baonghean.vn) - Kể từ Đại hội Đảng lần X đến nay, vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được xem là vấn đề cốt yếu, là mục tiêu cao nhất đối với toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Tất cả các nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng đều phải hướng tới mục tiêu này. Cũng có nghĩa, để thực hiện được mục tiêu đó, phải thực hiện có hiệu quả toàn bộ các nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng.


Một tổ chức đảng được xem là có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, trước hết phải là một tổ chức vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Vững mạnh về chính trị, tức là vững về đường lối. Có nghĩa là cấp uỷ và người đứng đầu ở đó phải có khả năng vận dụng đúng và sáng tạo chủ trương, chính sách của trên phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị mình. Có khả năng xem xét, lựa chọn đúng việc, đúng vấn đề, đúng trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo. Có khả năng giải quyết tại chỗ (hoặc phối hợp tốt để cùng xử lý) những phức tạp, những khó khăn nảy sinh tại địa phương, đơn vị mình. Vững mạnh về tư tưởng nghĩa là mọi đảng viên phải có và phải giữ được phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức. Bởi vì suy cho cùng, biểu hiện tập trung nhất của tư tưởng là ở hành vi: từ lời nói cho đến việc làm, từ quan hệ cho đến lối sống hàng ngày.


Vững mạnh về tổ chức là từ chất lượng, năng lực, nhiệt tình, điều kiện tham gia của đảng viên; từ chất lượng sinh hoạt, từ bố trí, phân công nhiệm vụ; ý thức chấp hành các nguyên tắc của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất, thường xuyên gắn bó với quần chúng... Từ việc giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, phương pháp lãnh đạo và lề lối làm việc khoa học, thông qua việc xây dựng và thực hiện tốt các quy chế, quy định nội bộ. Và đương nhiên cấp uỷ và nhất là người đứng đầu phải thực sự có năng lực, có tâm vì phong trào. Nếu như người đứng đầu không có năng lực hoặc không có tâm vì phong trào thì chắc chắn sức mạnh của tập thể không được phát huy, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở đó không cao.

772338_small_70548.jpg

Đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Tỉnh ủy gặp gỡ, nói chuyện với bà con xã Thanh Lương (Thanh Chương).               Ảnh: T.LÊ

               
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ở cơ sở không phải là vấn đề mới, thế nhưng, lại luôn mang tính thời sự, đòi hỏi phải được làm tốt để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, mà trước hết là để giải quyết có hiệu quả những vấn đề ở cơ sở.


Bên cạnh cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng đã nêu ở trên (mà trên thực tế lâu nay đang bị xem nhẹ), thì khâu nào được xem là yếu nhất, cần phải tập trung khắc phục? Khâu nào cần phải có nhận thức đúng và có giải pháp tập trung hơn?

Khi nói về sức chiến đấu của Đảng, lâu nay chúng ta vẫn thường đề cập ở dạng định tính, đó là bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đấu tranh bảo vệ cái mới, cái đúng, phê phán cái sai, cái tiêu cực... Nhưng có một khía cạnh rất quan trọng của sức chiến đấu ít được đề cập, về mặt định lượng, đó là khả năng tổ chức thực hiện. Một tổ chức đảng được xem là có sức chiến đấu không chỉ dừng lại ở việc vận dụng và đề ra được chủ trương đúng, mà còn phải tổ chức thực hiện được chủ trương đó trong thực tiễn. Đây được xem là khâu quan trọng nhất, là thước đo chính xác nhất vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của cấp trên và nghị quyết, nhiệm vụ của cấp mình, trước hết bí thư phải giúp cấp uỷ lượng hoá được những việc phải làm, chọn được trọng tâm, trọng điểm để xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch thiết thực, phù hợp (đặc biệt là phải khắc phục cho được việc xây dựng chỉ mang tính chất đối phó, tóm tắt lại nghị quyết, kế hoạch của trên và nghị quyết cấp mình một cách chung chung). Chương trình, đề án, kế hoạch phải hết sức ngắn gọn, cụ thể về mục tiêu, biện pháp, lộ trình, nguồn lực.

Đặc biệt phải bàn kỹ biện pháp tổ chức thực hiện và phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân phụ trách. Định kỳ (tháng hoặc quý) đồng chí được giao phụ trách phải báo cáo kết quả triển khai với cấp uỷ (nội dung này phải được đưa cứng vào chương trình công tác) để bổ cứu kịp thời.

Để giúp cấp uỷ cơ sở làm được việc này một cách tự giác, đi vào nền nếp, Tỉnh uỷ cần chỉ đạo thiết kế một chương trình tập huấn có tính chuyên đề về cách thức xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch cho đội ngũ bí thư, trực đảng cơ sở. Ban hành mẫu chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện nghị quyết (tương tự như đã ban hành mẫu quy chế làm việc của đảng uỷ xã). Cấp uỷ cấp trên cơ sở cần tăng cường vai trò hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

Giao trách nhiệm cho cấp uỷ viên được phân công phụ trách cơ sở và các ban đảng hướng dẫn, đôn đốc cụ thể việc này. Giao chỉ tiêu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, triển khai chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện nghị quyết (vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của Ban Thường vụ, UBKT cấp mình và chương trình của cấp uỷ cơ sở). Đưa vào tiêu chí đánh giá, phân loại, xếp loại hàng năm một cách nghiêm túc.


Tôn Mạnh