Theo đuổi mô hình nông nghiệp theo hướng bền vững
Tân Long có hơn 20 năm lịch sử hình thành, nhưng chỉ thực sự “bén duyên” với nông nghiệp trong khoảng 10 năm trở lại đây và nổi bật nhất vẫn là hoạt động ở mảng lúa gạo. Tập đoàn của doanh nhân Trương Sỹ Bá từng được biết đến từ những hợp đồng thắng thầu quốc tế đến vị thế của một doanh nghiệp tư nhân cung cấp gạo Japonica vào Hàn Quốc lớn nhất châu Á… Còn Tân Long Group thì định vị thương hiệu là một doanh nghiệp “tỏa sáng cùng nông nghiệp Việt” với mô hình phát triển xanh - sạch theo xu hướng bền vững.
Hệ sinh thái lúa gạo - mảng “xương sống” trong lĩnh vực nông nghiệp của Tân Long được xây dựng theo chuỗi hoàn chỉnh từ kiểm soát giống gieo trồng trên cánh đồng, nguồn thu mua lúa ổn định nhờ hợp tác với nông dân và các tổ chức nông dân, một hệ thống nhà máy xử lý sau thu hoạch và đóng gói gần vùng nguyên liệu. Tất cả đều được đặt tại đồng bằng sông Cửu Long - vùng cung cấp lúa lớn nhất cả nước đối với cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Mắt xích nối tiếp là phát triển thị trường và mạng lưới kênh phân phối phủ khắp cả nước.
Làm nông nghiệp từ cái gốc như Tân Long đang xây dựng, như chính lãnh đạo ngành của tập đoàn chia sẻ, là xác định cần nhiều thời gian, vừa phát triển vừa điều hành linh hoạt. Nhưng cần thiết phải hoàn thiện một hệ sinh thái đầy đủ để doanh nghiệp chủ động về nguồn nguyên liệu và nhất là chủ động kiểm soát được chất lượng sản phẩm - vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững.
Phát triển theo xu hướng bền vững cũng phải nhắc đến câu chuyện bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời với nâng cao thu nhập của nông dân. Theo ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tân Long, tập đoàn không ngại thu mua lúa với giá cạnh tranh theo hướng có lợi và sẵn sàng chia sẻ rủi ro mùa vụ với nông dân để đôi bên có được sự cam kết cao nhất về quy trình canh tác chuẩn và nói không với thuốc bảo vệ thực vật vì sức khỏe. Tân Long cũng chủ trương chú trọng vào nhóm các sản phẩm đặc sản địa phương, phù hợp với thổ nhưỡng trồng trọt để dần loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật.
Nỗ lực và mục tiêu tăng trưởng thị phần gạo truy suất nguồn gốc trong nước
Tổng tiêu dùng trong nước mỗi năm khoảng 10 - 11 triệu tấn gạo. Trong đó, gạo túi nhỏ chất lượng cao, có thương hiệu và kiểm soát được nguồn gốc chiếm khoảng 10 - 15%/ tổng tiêu dùng gạo (khoảng 1,6 triệu - 1,7 triệu tấn/năm). Và Tân Long đặt mục tiêu 10% của con số 1,6 - 1,7 triệu tấn này trong ít nhất 5 năm tới.
Chiến lược của đại diện tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp là điều tiết xuất khẩu linh hoạt và tập trung vào nội địa. Cũng theo ông Nguyễn Chánh Trung, thị trường lúa gạo nội địa giàu tiềm năng và phù hợp với hệ sinh thái mà tập đoàn đang xây dựng. Đây cũng là hướng đi lâu dài, hướng đến tầm nhìn phát triển bền vững bởi nhu cầu sử dụng gạo ngon, gạo trong nước đang tăng cao.
Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 - 2030” có nêu một nội dung cốt lõi là chuyển đổi tư duy từ trồng giống lúa năng suất cao nhưng phẩm cấp thấp sang các giống chất lượng cao. Trong khi đó, Tân Long cũng chọn đẩy mạnh tỷ lệ các mặt hàng chính là gạo thơm, gạo đặc sản, gạo lúa tôm và 100% organic - đều là những sản phẩm từ gạo chất lượng cao.
Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này vẫn đang tập trung nhiều vào đầu tư hoàn thiện hệ thống nhà máy gạo với quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại An Giang, quy hoạch lại vùng bao tiêu chiến lược và có xu hướng lựa chọn các vùng trồng gần nơi sản xuất.
Tập đoàn Tân Long cũng rất chú trọng và thường xuyên thực hiện các hoạt động vì cộng đồng, xã hội. Cùng với những sản phẩm nông sản của mình, Tân Long đồng hành cùng đồng bào miền Trung trong bão lũ, đồng hành cùng trẻ em vùng cao sát biên giới…
Mới đây nhất, Tân Long có mặt ở hầu hết các “điểm nóng” của đại dịch Covid-19 với phần hỗ trợ tiền mặt 5 tỷ đồng và hơn 1.000 tấn gạo ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh.