Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 860 triệu USD, tăng 50,2%; tổng thu ngoại tệ từ dịch vụ du lịch và xuất khẩu lao động đạt 241 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản xuất gặp nhiều khó khăn, song nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, trong đó rõ rệt nhất là đà tăng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến. Cụ thể: Linh kiện điện thoại có sự tăng trưởng đột biến với 160 triệu USD (trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ đạt 1,7 triệu USD); Hàng dệt may tăng 26,3%; Dăm gỗ tăng 21%; Hạt phụ gia nhựa tăng 50,4%; Hoa quả chế biến và nước hoa tăng 14,5%; Xơ sợi dệt các loại đạt tăng 39%; Bột đá vôi trắng siêu mịn tăng 47,7%.
Một số mặt hàng nông sản cũng tăng trưởng mạnh, như hàng thủy sản tăng 95,8% so với cùng kỳ 2020, tinh bột sắn tăng 38%, hạt tiêu tăng 14,4% so với cùng kỳ 2020.
Theo Sở Công Thương, kết quả có được là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các đối tác xuất khẩu mới, tìm kiếm thị trường xuất khẩumới. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKVTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh đà tăng của một số mặt hàng, vẫn còn một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa quả tươi giảm 88%, gạo giảm 43%...
Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập khẩu cho biết: Mặt hàng gạo của Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, một số thị trường có giá cạnh tranh hơn, đặc biệt như Ấn Độ, Thái Lan. Một số đơn hàng tuy đã chốt được hợp đồng với khách hàng nhưng lại không đặt được tàu, giao hàng chậm khiến đơn hàng bị hoãn, hủy…
Đối với mặt hàng hoa quả tươi, các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả tươi bị ảnh hưởng do sự kiểm soát dịch Covid 19 tại các cửa khẩu ở Lào, Thái Lan và các cửa khẩu biên giới phía Bắc làm một số mặt hàng có kim ngạch lớn đã dừng hoàn toàn hoạt động xuất, nhập khẩu (điển hình như Công ty Hợp Mạnh, Asean HM).
9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi khoảng 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, hàng hóa được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc (chiếm 31,7%), Hàn Quốc (chiếm 14,2%), Hồng Kông (chiếm 13,3%), Đài Loan (chiếm 10%), Hoa Kỳ (chiếm 8%), Ấn Độ (chiếm 3%)…
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc sở Công Thương cho biết: Tới đây, với việc tham gia các Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa với các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…; Hội nghị kết nối trực tuyến với các tham tán Việt Nam tại nước ngoài… chúng tôi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các mối liên hệ không gián đoạn với thị trường xuất khẩu mục tiêu. Qua đó, giúp doanh nghiệp tìm hiểu về xu hướng, diễn biến, nhu cầu thị trường, nghiên cứu thị trường và nắm bắt thông tin về đối thủ cạnh tranh mà không tốn nhiều thời gian, chi phí.
Đồng thời, tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong hạ tầng logistics để tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.