(Baonghean) - Trong khuôn khổ Hội thảo báo đảng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 4 (vòng IV) được tổ chức tại Thừa Thiên Huế vào cuối tháng 3, những người làm báo trong khu vực có dịp trao đổi và học hỏi kinh nghiệm về chủ đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự là “tuyên truyền xây dựng Đảng”. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi tờ báo, là công việc thường xuyên của người làm báo đảng ở các địa phương.

Những cách làm hiệu quả

Từ khi thành lập đến nay, tất cả các báo đảng khu vực miền Trung – Tây Nguyên đều thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng Đảng. Mỗi địa phương, mỗi tờ báo có những cách tổ chức thực hiện, nội dung tiếp cận khác nhau nhưng mục tiêu xuyên suốt là đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất; phản ánh sinh động cuộc sống, lao động, học tập của nhân dân, làm “cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân”.
 
Báo Thừa Thiên Huế, những năm qua, Ban Biên tập luôn bám sát dòng thời sự chính trị của đất nước và tình hình ở địa phương để chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng đề cương tuyên truyền dài hơi cho cả năm. Điển hình, ngay từ đầu năm 2013 và 2014, báo đã soạn thảo đề cương xây dựng Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về “Những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cùng đó, xây dựng đề cương tuyên truyền thực hiện “Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”… Tương tự, Báo Phú Yên lấy vấn đề “Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” làm trọng tâm xuyên suốt của công tác tuyên truyền xây dựng Đảng trên các ấn phẩm của mình. Còn Báo Quảng Nam tập trung tuyên truyền Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) làm nhiệm vụ chủ lực, từ đó chọn những vấn đề có tính đột phá, làm rõ chủ đề tuyên truyền…
 
images955798_tham_nh__van_hoa___i_t__ng_l____c_anh.jpgCác nhà báo thăm Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh.
 
Xuất phát từ thực tiễn địa phương, nhiều tờ báo đã có cách làm sáng tạo khác như Báo Đà Nẵng xây dựng chuyên mục “5 xây, 3 chống” để tuyên truyền về xây dựng Đảng. Cụ thể, “5 xây” đó là: Trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu và “3 chống” là: Chống quan liêu, chống tiêu cực, chống bệnh hình thức. Ban Biên tập chủ động bám sát yêu cầu, xây dựng đề cương tuyên truyền sát thực tế với hình thức chuyển tải đa dạng, không để chính sách “nguội”. Báo Quảng Ngãi chú trọng “đổi mới cách thể hiện nâng cao tính hiệu quả của công tác tuyên truyền xây dựng Đảng”; báo Thanh Hóa và Hà Tĩnh coi nâng cao chất lượng tác phẩm viết về xây dựng Đảng là then chốt; báo Kon Tum kết hợp nhuần nhuyễn 2 phương pháp “xây” và “chống” bằng các chuyên mục đa dạng hơn…
 
Còn đối với Báo Nghệ An, 2 năm qua, chuyên trang xây dựng Đảng đã có diện mạo mới. Bên cạnh những vấn đề nổi bật được đăng tải trên trang nhất, báo đã ổn định  mỗi tuần 2 trang xây dựng Đảng; tập trung nâng cao chất lượng bài viết. Từ Ban Biên tập đến đội ngũ phóng viên chuyên trách luôn ý thức là phải viết thế nào để đưa nội dung trang xây dựng Đảng của báo vừa chính xác vừa hấp dẫn, làm tốt “cầu nối” đưa những chỉ thị, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống và phản ánh ý nguyện chính đáng của nhân dân đến với cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt từ khi thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng các ấn phẩm đến năm 2015 có tính đến năm 2020”, Ban Biên tập luôn đặt mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng trang Xây dựng Đảng, xem đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Bởi vậy, bên cạnh tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Biên tập còn mạnh dạn “mời” cộng tác viên ở các Ban xây dựng Đảng và các huyện, xã viết bài cho chuyên trang. Cách tập hợp lực lượng này đã tạo nên sự phong phú trong cách thức cũng như hiệu quả tuyên truyền xây dựng Đảng. Nhất là khi báo tăng kỳ lên 8 số/tuần và mỗi số 8 trang, càng có nhiều điều kiện để chuyển tải chỉ thị, nghị quyết cũng như những cách làm hay từ cơ sở.
 
Đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng
 
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng đánh giá một cách khách quan công tác tuyên truyền xây dựng Đảng của báo đảng các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên vẫn còn nhiều tồn tại cần được đổi mới từ hình thức đến nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Nhìn chung, các bài viết về xây dựng đảng trên báo còn thiếu sắc bén, sức thuyết phục chưa cao, tính chiến đấu còn hạn chế. Gần đây, mặc dù với tinh thần cởi mở và “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” theo quan điểm Nghị quyết T.Ư 4, một số báo đã tiếp cận, đăng tải công khai một số vụ việc, chuyên đề nhạy cảm trong xây dựng Đảng như các kết luận kiểm tra, thanh tra của tỉnh liên quan đến sai phạm và công tác cán bộ nhưng chưa thực sự theo đến cùng sự việc.
 
Nguyên nhân của các hạn chế trên, trước hết thuộc về các tờ báo. Ngoài hạn chế phổ biến là nội dung tuyên truyền khó, đơn điệu, thì vẫn còn thiếu những cây bút tâm huyết và am hiểu về lĩnh vực xây dựng Đảng. Có một thực tế là nếu được chọn, các phóng viên thường chọn lĩnh vực khác và rất ngại lĩnh vực về xây dựng Đảng, vì đây được ví là mảng “khó và khô”. Mặc dù các báo đã chú trọng xây dựng, khai thác tin, bài từ các cộng tác viên là cán bộ, chuyên gia các ban đảng nhưng nguồn tin bài này thường đối diện với thực trạng “thiếu vắng”. Nguyên nhân là vì cộng tác viên ở các ban đảng cấp tỉnh hoặc cấp huyện nếu có vị trí công tác thì quá bận rộn với nhiệm vụ chuyên môn hoặc vì lý do vấn đề đang còn trong quá trình bàn bạc, trao đổi nên ngại bộc lộ quan điểm.
 
Về phạm vi và nội dung tiếp cận thông tin, một số tỉnh vẫn coi các vụ việc kiểm tra, thanh tra là thông tin nhạy cảm nên rất hạn chế cung cấp cho phóng viên. Thực chất đây là loại thông tin về công tác đảng, tạo ra sức hấp dẫn của mảng tuyên truyền xây dựng Đảng hiện nay. Tuyên truyền xây dựng Đảng không chỉ nêu văn bản chính sách đơn thuần mà phải có thực tiễn, trong đó có những điểm còn hạn chế, chưa phù hợp, thậm chí có vi phạm cần phải công khai để chấn chỉnh, xử lý; mặt khác phải tiếp thu để hoàn chỉnh chính sách cho phù hợp…
 
Cuối cùng là cơ chế, chính sách, mặc dù đã nỗ lực cố gắng nhưng một số báo vẫn còn khó khăn. Một số báo chưa tranh thủ được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, thành nên các thông tin, sự kiện dù người dân quan tâm, chờ đợi hoặc vấn đề đang có ý kiến khác nhau nhưng báo lại thông tin hạn chế nên nhiều người suy nghĩ là có “vùng cấm” trong sự kiện, vụ việc ở địa phương.
 
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Để báo đảng địa phương nói chung và trang xây dựng Đảng nói riêng có tính thuyết phục, hấp dẫn và thu hút bạn đọc thì phải nỗ lực từ 2 phía bao gồm từ phóng viên, nhà báo đến lãnh đạo tỉnh. Ban Biên tập phải chủ động tham mưu đề xuất kịp thời các nội dung cần tuyên truyền với cấp ủy; đồng thời, với tư cách là kênh tuyên truyền chính thống của địa phương, các báo thường xuyên tranh thủ được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy trong thông tin định hướng dư luận, từ đó tạo sức hút riêng cho báo đảng…”.
 
Phương Hà