Tới dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi - Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy. Các đồng chí: Kha Văn Tám - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; thường trực LĐLĐ tỉnh; lãnh đạo LĐLĐ các huyện, thành, thị có công nhân lao động trong các doanh nghiệp FDI và Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam.
Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích quán triệt các văn bản, nội dung chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tỉnh Nghệ An và LĐLĐ tỉnh về việc phòng ngừa và giải quyết các cuộc đình công không tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật. Qua đó, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp phòng ngừa và xử lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và chủ doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu được phổ biến các nội dung chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Văn bản số 3649/TLĐ-QHLĐ ngày 15/2/2022; Quyết định số 29/QĐ/2021/QĐ-UBND ngày 22/9 của UBND tỉnh Nghệ An. Trọng tâm là các quy định về đình công của công nhân và các biện pháp phòng ngừa, giải quyết của tổ chức Công đoàn.
Vấn đề quan trọng của Công đoàn cơ sở là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân và người lao động; yêu cầu người lao động công khai, minh bạch các chế độ, chính sách. Khi xảy ra đình công, Công đoàn cơ sở cần kịp thời báo cáo tình hình, tiếp cận người lao động, làm việc với người sử dụng lao động, theo dõi sát các diễn biến, kiến nghị hướng giải quyết và các bước giải quyết đình công…
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu một số ý kiến xung quanh vấn đề về nguyên nhân xảy ra đình công là do mức lương tối thiểu vùng còn thấp, thu nhập thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Một số nguyên nhân khác nữa là áp lực lao động trong thời điểm đầu năm, cung cách quản lý thiếu chuẩn mực của người sử dụng lao động.
Từ đó, đề xuất các giải pháp phòng ngừa và giải quyết khi đình công xảy ra, trong đó cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, sự phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh và các ban, ngành liên quan trong quá trình xử lý để đạt hiệu quả cao.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi - Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy dự báo thời gian tới còn tiềm ẩn nhiều biến động, tổ chức Công đoàn cần thực hiện tốt các giải pháp: Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân và chủ doanh nghiệp; phát huy tính chủ động, sáng tạo, nắm bắt thông tin để kịp thời có hướng giải quyết…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Kha Văn Tám ghi nhận sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của tổ chức Công đoàn các cấp và các ban, ngành liên quan. Đồng thời, đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ trước mắt: Khẩn trương triển khai nắm tình hình công nhân lao động trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền để công nhân, người sử dụng lao động hiểu rõ chủ trương, chính sách và pháp luật.
Điều này đòi hỏi cán bộ Công đoàn nắm chắc, hiểu sâu các chủ trương, chính sách liên quan đến người lao động; chủ động phối hợp với các ban, ngành để xử lý hiệu quả vấn đề phát sinh. Về lâu dài, sẽ tập trung xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…