Tiếp nối chương trình Góp đá xây Trường Sa, ngày 29/10, báo Tuổi trẻ cùng VNG và Quỹ cộng đồng internet Việt Nam (VNIF) đã trao tặng cho quân dân huyện đảo Trường Sa 1 xuồng cứu hộ CQ trị giá 3,5 tỷ đồng.

 

Theo Đại tá Nguyễn Đức Thắng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (đơn vị phụ trách bảo vệ Trường Sa) kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, xuồng CQ là 1 thành tựu nghiên cứu của Hải quân Việt Nam. Dù xuồng CQ không phải là 1 đột phá vượt bậc về khoa học công nghệ nhưng nó lại là một bước tiến vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đời sống, tăng cường khả năng chiến đấu của quân dân Trường Sa.

784337_small_84713.jpg

Đại diện quỹ VNIF và báo Tuổi trẻ trao tặng số tiền trang bị tàu CQ cho đại diện quân chủng Hải quân

 

Đại tá Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Đặc trưng của các đảo ở Trường Sa là bãi đá san hồ ngầm, tàu thuyền chân vịt rất khó hoạt động. Xuồng CQ di chuyển bằng áp lực nước nên không bị cản trở, thích hợp với địa hình vùng biển Trường Sa, dễ hoạt động, tốc độ có thể lên đến 50km/h, vận tải được đến 3 tấn, đủ chở trang bị vật tư cho 1 đơn vị chiến đấu cũng như vận tải hàng hóa từ tàu lớn vào đảo”.

 

Ông kể: “Những năm trước thời điểm 1990, đất nước ta còn nghèo, các xuồng vận tải của ta phải buộc dây nối với đảo, hàng được đưa xuống thuyền và bộ đội ta phải dùng sức kéo vào đảo. Sau đó thì có xuồng máy để kéo xuồng hàng, nhưng tốc độ rất chậm. Từ khi có xuồng CQ thì khác, tốc độ di chuyển tuần tra, cứu hộ, vận tải đều tăng cao”.

 

Thượng tá Vũ Văn Cường, Đảo trưởng đảo Song Tử Tây cũng cho biết: “Mỗi năm chúng tôi cấp cứu mấy chục chuyến tàu và ngư dân gặp nạn, việc sử dụng xuồng cao tốc CQ thật sự rất cần thiết và quan trọng”.

“Ngày trước, phương tiện không có, nhiều khi bão vào, ngư dân gặp nạn ngay trước mắt mình cũng không có cách nào ứng cứu mà đau lòng… Nay có xuống CQ thì tình hình cứu hộ cứu nạn đã tốt hơn rất nhiều. Nếu tất cả các điểm đảo đểu có xuồng CQ thì công tác cứu nạn sẽ rất tốt” -Đại tá Nguyễn Đức Thắng tâm sự.

 

Thượng tá Vũ Văn Cường cũng kể tình cảnh ở các điểm đảo khi chưa có xuồng CQ, bộ đội ta phải lội ra tận mép xanh (ranh giới giữa nền san hô và lòng biển, có độ sâu chênh lệch rất lớn) cách bờ đảo từ 300 – 400 m để kéo xuồng công binh chở khách, vật tư vào đảo, chân bị san hô cứa rách thường xuyên.

 

Ngày nay, dù xuồng cao tốc CQ đã được trang bị cho Trường Sa những số lượng vẫn còn thiếu nhiều, những chiếc đầu tiên trang bị cũng đã bắt đầu xuống cấp bởi sóng gió khắc nghiệt của Trường Sa. Do vậy, báoTuổi trẻphát động chương trình tặng xuồng CQ cho Trường Sa và VNG cùng VNIF đã hưởng ứng ủng hộ chiếc đầu tiên trị giá 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, VNIF cũng phát động chương trình kêu gọi các thành viên cộng đồng mạng tham gia chung tay quyên góp, tặng thêm xuồng CQ cho Trường Sa.

 

Nhận món quà của đất liền, Đại tá Nguyễn Đức Thắng xúc động: “Cứ mỗi lần nhận quà từ quân dân đất liền gửi ra Trường Sa, chúng tôi lại xúc động, không phải vì giá trị vật chất của món quà mà vì tình cảm thiêng liêng, máu thịt của quân dân đất liền. Tình cảm đó không lời văn nào có thể diễn tả hết!”.


Theo Dantri-M