(Baonghean) - Chủ quyền biển - đảo đang là vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước ta. Nhân dân cả nước, từ những người nông dân chân lấm tay bùn, những công nhân với thu nhập ít ỏi đến những cán bộ, công chức đang ra sức chung tay “góp đá xây Trường Sa”, những chiến sỹ hải quân “nắm chắc tay súng, giữ lấy biển, lấy trời”, những nhà sử học nỗ lực đưa ra những bằng chứng thiết thực chứng minh chủ quyền biển đảo, và những ngư dân kiên cường bám biển vươn khơi... Vậy mà, một bộ phận học sinh - sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước lại “không biết gì” hoặc hiểu biết rất lơ mơ về chủ quyền biển - đảo.
Nguyên nhân là trong một thời gian dài, vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa bị coi là “nhạy cảm” nên sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lý trong các trường học không đề cập đến.
Từ năm học 2011-2012, chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa đã được đưa vào giảng dạy dưới hình thức lồng ghép vào môn Địa lý và Lịch sử, kết hợp các buổi học ngoại khóa, tại các trường THCS ở các Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi. Và từ năm học 2012-2013, Sở Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa đã triển khai giảng dạy nội dung về chủ quyền Trường Sa cho học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh với các kiến thức như: tầm quan trọng của biển, đảo, lịch sử, chủ quyền Trường Sa, một số hình ảnh về Trường Sa hôm nay và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; cũng bắt đầu từ năm học 2012-2013, Bộ Giáo dục - Đào tạo có chủ trương mở rộng giáo dục chính khóa và tuyên truyền ngoại khóa cho học sinh cả nước về tiềm năng biển - đảo và nhiệm vụ của các thế hệ công dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ở Nghệ An, thời gian qua, trong phần lịch sử địa phương và địa lý địa phương ở bậc THCS cũng đã đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các cuộc thi viết về biển - đảo quê hương, kể chuyện về biển - đảo thân thương, phát động phong trào “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Tấm lưới nghĩa tình”; tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ “Gần lắm Trường Sa” hay “Nối vòng tay biển”; viết thư cho bộ đội nơi đảo xa; sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Tuần lễ công dân biển”... đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu biển - đảo trong tâm hồn mỗi học sinh.
Tuy nhiên, tư duy nhận thức của các em học sinh về chủ quyền lãnh thổ của đất nước vẫn còn rất mơ hồ, một phần do kiến thức về chủ quyền biển đảo chưa chính thức đưa vào chương trình giáo dục; phần nữa vì các nhà trường chưa chú trọng đến vấn đề giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh.
Thiết nghĩ, trong thời điểm hiện nay, khi mà Biển Đông đang là vấn đề nóng với những diễn biến phức tạp thì việc giáo dục chủ quyền biển - đảo trong trường học là việc cần làm ngay, nhất là với Nghệ An - một địa phương nhiều tiềm năng kinh tế biển và đang phấn đấu giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển. Khi Bộ GD&ĐT chưa chính thức đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào chương trình giáo dục, nếu mỗi nhà trường chú trọng hơn đến vấn đề này, bằng những cách làm khác nhau, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tin chắc rằng, các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước, sẽ ý thức được trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển - đảo của đất nước, biến khát vọng “giàu từ biển, mạnh từ biển” của dân tộc ta thành hành động cụ thể.
Đưa giáo dục chủ quyền biển đảo vào trường học
Thanh Phúc