(Baonghean)Công tác xây dựng mốc biên giới Việt - Lào trên địa bàn tỉnh Nghệ An được đánh giá là khó khăn bậc nhất bởi đường biên rất dài, địa hình cực kỳ phức tạp, khó khăn. Vượt lên muôn vàn vất vả, các đội cắm mốc của tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được 2 Nhà nước, Ban chỉ đạo tỉnh giao.
Cuối tháng 10, Thượng tá Phan Văn Hồng - Đội trưởng Đội cắm mốc số 1 tỉnh Nghệ An đã mời chúng tôi cùng đi để được “tận mục sở thị” công tác tôn tạo, phân định đường biên hai nước Việt – Lào nơi đầu nguồn con sông Nậm Nơn tận xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) - nơi giáp biên với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Cuối mùa mưa, con đường nhựa nhỏ quanh co dẫn qua các bản người Mông nằm vắt vẻo trên những sườn núi cao; có nhiều đoạn đã bị sạt lở, nước hất tung cả đường, kiến tạo thành những con suối sâu trườn qua khiến xe ì ạch bò, lắm phen anh lái xe trong đội cắm mốc vừa thở phào lại toát mồ hôi. Cái lạnh của vùng núi trên 1.500m so với mặt nước biển, cộng thêm việc thay đổi áp suất đột ngột lúc xe lên xuống khiến tai ù đi, trong đầu vang lên từng tiếng nổ lộp bộp.
Đội cắm mốc số 1 có 19 thành viên, gồm nòng cốt là các chiến sỹ bộ đội biên phòng, được tăng cường thêm 4 cán bộ của Bộ Tài nguyên - Môi trường (có nhiệm vụ xác định vị trí chính xác mốc tôn tạo và tăng dày) và các cán bộ sở, ban, ngành được tỉnh chỉ đạo tham gia là 1 cán bộ Sở Y tế làm công tác đảm bảo sức khỏe, 1 cán bộ của Sở Xây dựng làm nhiệm vụ kiểm tra đánh giá chất lượng xây dựng mốc.
Từ khi thành lập đến nay, đội cắm mốc tiến hành khảo sát, giám sát, thi công các mốc trên tuyến biên giới chạy dọc Nghệ An - Hủa Phăn và Nghệ An - Xiêng Khoảng.
…Mốc 397 được xây dựng từ năm 1981 bây giờ phải tôn tạo lại nằm giữa ngã ba đường sông Nậm Nơn tiếp giáp với xã Mường Dương, huyện Mường Quăn, tỉnh Hủa Phăn. Vị trí này nằm tương đối gần, từ Xốp Tụ đi lên 4km nữa là đến bản Xiềng Tắm - nơi có Đồn Biên phòng Mỹ Lý đóng; từ đây là hết đường đất, đi thuyền máy thêm 30 phút nữa là đến vị trí mốc… Những mốc trước như 418, 419 nằm trên địa bàn xã Mường Ải với độ cao trên 2.000m, độ dốc 45 độ, không có đường đi, chỉ có thể bám vào vách đá để lên thì việc vận chuyển được hàng tấn xi măng, gạch, đá, sắt thép lên xây dựng; hoặc mốc nơi đỉnh Phuxailaileng (2.721m) ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) - thì đó mới là thử thách cực độ. 17 giờ chiều, chúng tôi đã đến Đồn Biên phòng Mỹ Lý - trụ sở đóng chân của Đội cắm mốc số 1 trong đợt công tác xây mốc lần này.
Từ Đồn Biên phòng Mỹ Lý, xuồng ngược Nậm Nơn lên Mốc 397, qua 3 con thác hung dữ.
Sáng sớm hôm sau, từ Đồn Biên phòng Mỹ Lý chúng tôi lên thuyền máy ngược dòng Nậm Nơn chừng chỉ khoảng 8 km là đến điểm phân giới, nhưng lại có 3 con thác dữ mỗi năm vẫn có hàng chục thuyền bè bị lật ở đây… 3 thác dữ có tên là Cành Cạp, Cành Sơ và Cành Mai. Muốn vượt được thác phải dựa phần lớn vào tài năng của người cầm lái, thứ nữa là vai trò rất quan trọng của người hoa tiêu. Vượt Cành Cạp thấy nước cuồn cuộn như muốn đổ ấp xuống mình khiến người ngồi trong thuyền không khỏi run – Cành Cạp so với 2 thác còn lại thì độ dốc là không bằng nhưng hung hiểm không kém bởi hệ thống luồng nước, đá ngầm phức tạp khiến sóng đã vượt quá rồi lại thêm một lần nữa giựt lại thuyền chạy bằng đầu máy 22 CV mà cứ như muốn xoay tròn, không tiến lên nổi.
Vào mùa mưa, Cành Cạp là cái bẫy thực sự cho những tay lái non kinh nghiệm. Qua Cành Cạp chừng hơn 1 km là Cành Sơ, người trong thuyền chưa kịp định thần nay nhìn thế nước đổ dồn xuống mà mặt mày tái mét, bất an. Với độ dốc gần 30 độ, kéo dài 100m, Cành Sơ như chỉ chờ chực đợi thuyền đến để đổ nước vào nhấn chìm xuống đáy sâu hàng chục mét. Thượng tá Hồng hò hét thật to động viên mọi người ngồi thật yên, dẫu sóng có đánh vào ướt người cũng không được nghiêng ngả; người ngồi trên thuyền gồng cứng người chịu trận, không ai còn dám nói một lời nào. Lữ Văn Duân - chàng trai lái thuyền người bản địa cũng lên gân, gồng người giữ thẳng tay lái đi vào luống nước sát bờ, thuyền từ từ nhích lên. Phía đầu thuyền, anh hoa tiêu là một chiến sỹ Đồn Mỹ Lý không ngừng sử dụng mái chèo nhằm giữ thăng bằng cho thuyền, đẩy thuyền ra khỏi va vào gờ hòn đá ven bờ, ra hiệu hướng cho lái tránh đá ngầm, nước mạnh.
Mất hơn 10 phút để lướt qua Cành Sơ, ai cũng lạnh run - một phần là vừa thoát khỏi hiểm nguy, một phần là vì sóng và nước tạt vào khiến ai nấy đều ướt nhẹp cả đầu đến chân. Vượt 2 thác là 2 lần thử thách cao độ với người cầm lái và người ngồi trên thuyền, vẫn còn một Cành Mai ở phía trước. Cành Mai có độ dốc chỉ 15 độ nhưng có chiều dài hơn 300m, vượt qua thác là đã đến mốc biên giới hai nước Việt Nam - Lào. Những lần trước, khi thuyền chở vật liệu đến phải quăng dây lên 2 lèn đá bên bờ để anh em trong đội cắm mốc kéo qua vượt thác. Còn lần này chỉ có lương thực thực phẩm và chúng tôi nên thượng tá Hồng đề nghị mọi người xuống cập bờ, chỉ để lại người lái và hoa tiêu nhằm giảm tải cho thuyền, rồi bám vào cây cối, lèn đá xung quanh để đi lên mốc.
Lán trại dã chiến của đội bên bờ thượng nguồn Nậm Nơn, nơi giáp giới nước bạn Lào.
Nơi ở của đội cắm mốc và đơn vị thi công là hai lán trại nhỏ giản đơn, nằm sát bên sông, được dựng lên bằng hệ thống cành cây chắp nối buộc vào nhau, phía trên phủ bạt và các tấm tăng quân đội để tránh gió che mưa; nền là những tấm gỗ mỏng phía trên trải chiếu; chỗ ăn, chỗ ở, chỗ ngủ của gần 30 con người cũng chính là hai lán trại này. Đội cắm mốc đã đặt nơi suối Huổi Mai này một máy thủy điện nhỏ để có điện thắp sáng. Nơi đây đã là điểm phân giới đường biên hai nước, một bước tiến lên đã là qua đất bạn, lùi lại một bước lại về đất mình; “hai nước nghe chung tiếng gà gáy sáng” là đây.
Cột mốc 397 đang được đưa vào và dựng lên trên điểm mốc quốc giới.
Khi chúng tôi đến cũng là lúc đội đang cho vận chuyển và dựng Mốc 387 - 2 lên sân. Mốc tăng dày 397 nằm ở vị trí hợp lưu dòng chảy, nơi có đường biên giới phức tạp nên được bố trí một cụm mốc 3 (gồm 3 đỉnh mốc xếp thành hình tam giác, lấy điểm giao của 3 đường trung tuyến là điểm phân giới). Hơn 10 ngày qua, đội cơ bản đã vận chuyển được hết tất cả vật liệu từ Mường Xén vào điểm mốc; đã xây dựng xong 2 sân mốc và vừa được một cột 397 – 1 lên. Cột 397 – 1 là đá Granit Bình Định nguyên khối, có trọng lượng là 260 kg, cộng thêm cả bao bì, hộp bảo vệ là vừa tròn 300 kg – hơn 10 người của đội lẫn đơn vị thi công, bộ đội biên phòng như kiến tha mồi vừa vần vừa kéo mốc từ khu vực trại lên sườn núi. Phải mất chừng 2 giờ mới có thể đưa mốc trèo qua 200m từ lán dựng lên sân; cột mốc đứng thẳng đúng nơi vị trí được định vị trước.
Một vị trí mốc theo quy định, đội cắm mốc phải có ít nhất 4 lần phải hành quân lên làm nhiệm vụ khảo sát đơn phương, song phương, tổ chức giám sát thi công và nghiệm thu. Đội đi đến tận cùng với bạn Lào để xác định rõ vị trí mà Ủy ban liên hiệp Nhà nước đã xác định trên bản đồ, tìm ra hướng tuyến cho công tác xây dựng vận chuyển mốc, tạo điều kiện đoàn song phương lên xác định vị trí tọa độ mốc và làm sơ đồ tại vị trí mốc, để làm hồ sơ dự toán đề nghị phê duyệt chuẩn bị thi công; đơn vị thi công đi lên sẽ dựa theo vị trí này để xây dựng; phía Việt Nam đóng vai trò chủ lực trong tất cả các công tác này, đơn vị thi công là do tỉnh chỉ đạo tham gia. Quy định là vậy, nhưng thực tế thì số lần mà đội cắm mốc đi khảo sát, giám sát, xây dựng mốc phải lên đến con số hàng trăm; gian nan vất vả khó nói bằng lời…
Anh Nguyễn Đình Hiếu, Kỹ sư thi công, Công ty TNHH Xây dựng và Thiết kế Tây Đô cho hay: “Để vận chuyển được mốc từ Thị trấn Mường Xén về địa điểm dựng phải đi qua 5 chặng bằng ô tô, thuyền, kéo thuyền, vác bộ và tời; 3 chặng cuối gùi, khiêng, gánh bộ chỉ chưa đầy 1 km nhưng lại khó nhọc nhất, bởi đưa được tổng khối lượng trên 6 tấn lên dốc núi là không đơn giản; bên cạnh đó là phải đào đắp gần 100m3 đất, phát quang 400m2 cây. Tuy vậy, anh em vẫn quyết tâm đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công; ước chừng công việc bây giờ đã được 2/3, nếu trời không mưa thì chỉ chừng 10 ngày nữa là hoàn thành. Sáng nay, sau khi cho anh em thi công đưa mốc lên, chúng tôi sẽ tiến hành đổ bê tông sàn rộng 12,6m2, dày 25cm cả 2 mốc. Đối với cột 397 - 3 thì sẽ thi công cuối cùng, bởi mốc nằm cạnh sông, độ dốc rất lớn, phải xây taluy bảo vệ cả bốn phía đề phòng xói lở và sụt lún”.
Trong suốt quá trình xây mốc, thấy những chiến sỹ biên phòng Đồn Mỹ Lý tham gia vào các phần việc thi công nhưng vẫn có 3 chiến sỹ luôn chắc tay súng làm công tác bảo vệ. Thiếu tá Cụt Văn Bình - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Lý, chỉ huy công tác bảo vệ cắm mốc cho hay: Xác định biên giới là quê hương, những năm qua, các chiến sỹ của Đồn luôn làm tốt công tác bảo vệ an ninh biên giới nên tình hình địa bàn cơ bản được giữ yên, không có đối tượng phá hoại an ninh chính trị, chỉ có một vài đối tượng nghiện ma túy nhỏ lẻ.
Theo nhiệm vụ được Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh giao, thì khi Đội cắm mốc đến làm việc ở đâu thì Đồn biên phòng nơi đó cử 4 chiến sỹ, trong đó có 1 đồng chí chỉ huy làm công tác bảo vệ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ở Hủa Phăn, tình hình có nhiều nảy sinh phức tạp – hiện có một số phần tử chống đối cách mạng Lào đã tổ chức phục kích lực lượng vũ trang của bạn (trong quá trình hoạt động trên biên giới rất có thể chúng lợi dụng tập kích đội cắm mốc đang làm việc tại đây). Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo tăng cường tổ bảo vệ từ 4 chiến sỹ lên 9 chiến sỹ đảm bảo đủ 3 tổ để bảo vệ đội cắm mốc làm nhiệm vụ.
Vai trò tham gia chương trình tôn tạo, tăng dày mốc biên giới của các chiến sỹ đồn biên phòng trong những ngày buổi đầu còn lớn hơn thế - các anh chính là cầu nối để tuyên truyền vận động, giải thích cho nhân dân 2 bên biên giới hiểu đúng, hiểu rõ chủ trương lớn của 2 Đảng, 2 Nhà nước. Người dân vùng biên dân trí vốn chưa cao, quanh năm suốt tháng chỉ lo làm ăn nương rẫy. Người Lào, người Việt trồng trọt, xâm canh lấn sang phần đất lẫn nhau bởi có nhiều vấn đề còn hiểu sai và nhầm lẫn. Có lúc đội đi lên điểm mốc thì dân bản kéo ra ngăn cản - chính lúc đó, các chiến sỹ biên phòng và cán bộ Lào lại đứng ra giải thích cho mọi người hiểu hết ý nghĩa của việc cắm mốc, đó là làm rõ thêm cho bà con hiểu, biết phần đất của mình đến đâu, có quyền làm gì. Đến nay, khó khăn về bất đồng ngôn ngữ đã được khắc phục, các thành viên đội cắm mốc đã tự học lời ăn, tiếng nói của bạn để công tác tuyên truyền tốt hơn; công tác phối hợp giữa hai bên rất chặt chẽ. Trong quá trình hoạt động, bạn Lào cũng đã xác định đây là vấn đề nhạy cảm quan trọng; có những mốc Đội cắm mốc phải đi sang đường của bạn hoặc ăn nghỉ tại đây đều được bà con Lào tạo điều kiện giúp đỡ.
Ông Xa-Mi, một người dân xã Mường Dương, huyện Mường Quăn mà chúng tôi gặp ở khu vực gần Mốc 397 đã bày tỏ vui mừng về việc xây dựng mốc: “Trước đây chúng tôi vẫn hiểu sai về phần đất đai nên không ủng hộ. Nay hiểu ra thì mừng lắm, bởi trước đây chúng tôi muốn làm nương, rẫy, chặt gỗ, đánh cá mà không biết mình được làm đến đâu; cán bộ thì ở xa - không biết hỏi ai. Nay có mốc rồi thì biết rồi thì hay lắm”…Để những người dân như ông Xa-Mi có được nhận thức như vậy, đoàn cắm mốc hai nước sau khi vượt 3 thác bên đất Việt hãy vượt thêm 2 thác khác là Cành Lẹt, Cành Sốc - còn nguy hiểm hơn rất nhiều đêm ngày kiên trì vận động.
Bóng chiều đã buông, trời sậm dần, mây từ phía Tây nặng nề kéo về đen đặc núi rừng; đâu đó bên kia biên giới đã mưa rồi, nước đầu nguồn Nậm Nơn dâng lên nhanh chóng, khiến hành trình ngược về đồn thêm phần khó khăn. Thượng tá Phan Văn Hồng cho hay: Đến nay Đội cắm mốc số 1 cơ bản hoàn thành khối lượng công việc mà Ban chỉ đạo tỉnh giao. Hiện đội còn 7 mốc nữa ở Quế Phòng đã khảo sát xong nhưng chưa thi công và các mốc như 389, 390 ở khu vực có gỗ pơ mu - 2 bên chưa đạt được sự đồng thuận. Ngày mai, Đội sẽ tách ra một đoàn đi khảo sát ở xã Mai Sơn, huyện Tương Dương.
(Còn nữa)
Bài 1: Dựng mốc trên đầu 3 con thác
Chung Hải