(Baonghean) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của thuốc lá, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc lá.

Đến năm 2020: Giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong đối tượng thanh, thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi) từ 26% xuống còn 15%; giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc từ 47,4% xuống còn 35% và tỷ lệ ở nữ giới là dưới 1,4%. Tiếp tục duy trì môi trường không khói thuốc tại các cơ sở y tế đã triển khai và phát triển dần tại các đơn vị còn lại để đến năm 2016 đạt 100% cơ quan thực hiện môi trường không khói thuốc lá. 

1511356774395.jpgXây dựng môi trường không khói thuốc lá là trách nhiệm chung.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá: Xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) thuốc lá.

Tổ chức hội thảo triển khai, phổ biến Luật PCTH thuốc lá đến tất cả các cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan xây dựng quy định thực hiện môi trường không khói thuốc lá. Xây dựng các văn bản và tài liệu hướng dẫn về thực hiện môi trường không khói thuốc lá theo quy định của Luật PCTH thuốc lá.

Đưa việc vi phạm hút thuốc lá tại nơi cấm vào tiêu chí thi đua của các cơ quan. Thủ trưởng đơn vị không hút thuốc lá trong khuôn viên cơ quan để làm gương cho nhân viên. Khuyến khích người đứng đầu đơn vị khi hợp đồng lao động phải đưa tiêu chuẩn "không hút thuốc lá trong khuôn viên cơ quan" vào bản hợp đồng. Trên các phương tiện giao thông công cộng, chủ phương tiện phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở những trường hợp vi phạm việc "cấm hút thuốc lá".

Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá: Xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể thông tin, truyền thông về PCTH thuốc lá và tổ chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng về PCTH thuốc lá.

Xây dựng các tài liệu thông tin và truyền thông về tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá, môi trường sống không có khói thuốc lá, chính sách, pháp luật về PCTH thuốc lá bảo đảm phù hợp với các nhóm đối tượng.

Tăng cường cung cấp thông tin và truyền thông về PCTH thuốc lá cho tất cả các đối tượng, trong đó chú trọng các đối tượng là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, thanh, thiếu niên, nhân viên làm công tác xã hội, cán bộ truyền thông. Đa dạng hóa hình thức và kênh thông tin, truyền thông về PCTH thuốc lá. Tăng cường thời lượng và tần suất thông tin và truyền thông về PCTH thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên về PCTH thuốc lá trong việc vận động người dân tại cộng đồng nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về PCTH thuốc lá. Lồng ghép công tác truyền thông về PCTH thuốc lá trong các cuộc họp tổ tự quản, họp định kỳ của các đoàn thể cấp cơ sở.

Bổ sung tiêu chí không sử dụng thuốc lá vào phong trào Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại cộng đồng. Xây dựng tài liệu giáo dục về PCTH thuốc lá phù hợp với các cấp học, bậc học; đẩy mạnh công tác giáo dục về tác hại và PCTH thuốc lá trong trường học. Phát triển dịch vụ tư vấn cho người bệnh, người nhà người bệnh về tác hại của thuốc lá và phương pháp cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế.

Về tổ chức và nhân lực: Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình PCTH thuốc lá cấp tỉnh, với sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, phân công trách nhiệm cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo và tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, huyện, thành phố thành lập Ban Điều hành PCTH thuốc lá; phân công cán bộ thực hiện công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại đơn vị. Xây dựng kế hoạch hoạt động PCTH thuốc lá hàng năm, có tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch.

Xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp liên ngành, phối hợp giữa tỉnh và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về PCTH thuốc lá; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về PCTH thuốc lá. Phát triển mạng lưới và nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động PCTH thuốc lá từ tỉnh đến huyện, xã thông qua tập huấn, hội thảo và các hình thức khác; có chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích sự tham gia của cán bộ làm công tác xã hội, cộng tác viên tại cộng đồng vào hoạt động PCTH thuốc lá.

Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh tra chuyên ngành để thường xuyên theo dõi và giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá.

Bên cạnh đó là các giải pháp về tài chính, hợp tác quốc tế, bảo vệ môi trường. Các đơn vị xây dựng kế hoạch kinh phí cho hoạt động Quỹ PCTH thuốc lá cần đảm bảo những hoạt động ưu tiên theo thời gian để đạt các chỉ tiêu mà tỉnh đề ra. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Thanh Sơn (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN