(Baonghean.vn) - Dường như cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt ba tháng tại Afghanistan đã đi đến hồi kết. Chủ nhật ngày 21/9, ông Ashaf Ghani đã chính thức trở thành tân Tổng mới của quốc gia Trung Đông này.
 
 
images1052039_untitled_1.jpgÔng Ashaf Ghani - tân Tổng thống mới của Afghanistan / Ảnh: báo Liberation
 
 
Ngày 21/9, ông  Ahmad Yousaf Nuristani - người đứng đầu Ủy ban bầu cử độc lập của Afghanistan (IEC) đã công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống. Theo bản thông báo, ông Ashaf Ghani sẽ trở thành Tổng thống mới của đất nước này sau 2 vòng bầu cử diễn ra hồi tháng 4 và tháng 6 năm 2014. Được biết, Tổng thống Ashaf Ghani năm nay 65 tuổi và là một nhà kinh tế. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính giai đoạn 2002-2004.
 
Ông Ashaf Ghani giành được chiến thắng sau khi ký kết một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với đối thủ Abdullah Abdullah nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 3 tháng tại Afghanistan. Theo như thỏa thuận này, ông Abdullah Abdullah sẽ trở thành “người điều hành” tương đương với chức vụ thủ tướng trong bộ máy chính quyền của Afghanistan.
 
Hồi tháng 6, sau khi công bố kết quả bầu cử Tổng thống, cả hai ứng cử viên đều tuyên bố chiến thắng đồng thời cáo buộc lẫn nhau về việc gian lận trong bầu cử. Tầm giữa tháng 7, cả hai ứng cử viên đã đồng ý thành lập một chính phủ liên minh. Nhưng trong suốt 3 tháng, thỏa thuận thành lập liên minh vẫn chưa được hình thành và dường như rơi vào bế tắc do cả hai bên có nhiều bất đồng. Cho tới ngày 20/9,  người phát ngôn của ông Ashaf Ghani tuyên bố rằng hai ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống đã đạt được một thỏa thuận về chính phủ liên minh và chính phủ trên sẽ được thành lập vào chủ nhật ngày 21/9.
 
Thông báo trên ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc cũng như Whashington và các đồng minh phương Tây khác ở Kabul. Việc Afghanistan có Tổng thống mới mở ra hi vọng chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài từ lâu cũng như kết thúc việc đất nước bị chia rẽ.
 
Chính phủ mới của ông Ashaf Ghani dự đoán sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian cầm quyền. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trước tiên là khởi động lại vòng đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban và chấm dứt cuộc xung đột khiến số người chết ngày một tăng cao ở quốc gia Trung Đông này. Kèm theo đó, nhiệm vụ phát triển nền kinh tế nghèo nàn trước khi các nguồn viện trợ quốc tế kết thúc cũng là một thách thức không hề nhỏ đối với ông Ashaf Ghani.
 
Chu Thanh