(Baonghean) - Người dân xóm Tân Phú, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ từ nhiều năm nay mang một nỗi lo nước tràn vào nhà khi có mưa lũ xẩy ra. Nguyên nhân là do con mương Khe Đá chạy qua địa phận xóm, cách đây 7 năm, bị người dân xã khác đến xây một cái bờ kiên cố chặn ngang dòng chảy, khiến nước lũ tràn qua bờ, chảy vào khu dân cư. Những người tổ chức xây cái bờ này, theo người dân xóm Tân Lập cho biết là người của làng nghề ngói Cừa, xã Nghĩa Hoàn.
Chúng tôi đến xóm Tân Phú, khi đặt vấn đề tìm hiểu về mương Khe Đá, người dân ở đây đều bức xúc. Họ cho rằng, từ khi có một nhóm người từ xã khác đến tự ý xây một cái bờ kiên cố chắn ngang dòng chảy của mương, khi có mưa to, con mương này không thông được dòng chảy của nước, khiến nước từ mương Khe Đá tràn ra hai bên bờ, chảy vào vườn nhà dân, gây ngập nước. Ông Nguyễn Trọng Hanh, sinh sống ở đây đã hàng chục năm, cho biết: Từ ngày xây cái bờ chắn ngang mương Khe Đá, hầu như mùa mưa lũ năm nào cũng bị nước tràn vào làm hư hỏng hoa màu và nước ngập sâu trong nhà. Ngày trước, khi dòng mương Khe Đá đang thông suốt, bà con ở đây không lo gì ngập nước, vì con mương này có vai trò tiêu úng rất tốt!
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hà – Xóm trưởng xóm Tân Phú, khẳng định: Nguyên nhân một số hộ trong xóm hàng năm bị nước tràn vào vườn, nhà là do lòng mương Khe Đá bị người ta xây cái bờ chặn ngang, khiến con mương không có vai trò phân lũ với dòng Khe Muống. Xóm Tân Phú có 68 hộ, khi có mưa lũ lớn, có khoảng 50 hộ bị ảnh hưởng ngập nước do nước từ mương Khe Đá tràn vào, có những nơi ngập sâu gần 1 m, làm hư hỏng khoảng 2 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nói xong, ông Hà dẫn tôi đến xem con mương Khe Đá. Quan sát cho thấy, mương Khe Đá có chiều rộng gần 10 m, sâu khoảng gần 3 m, dưới đáy mương là một hệ thống dẫn nước được xây dựng bằng đổ bê tông hộp, mục đích là dẫn nước tưới cho một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Tân Phú và Nghĩa Hoàn. Ngay giữa lòng mương Khe Đá là một cái bờ được xây bằng đá vôi với vữa xi măng rất kiên cố, thành một bức tường án ngữ dòng chảy. Mặt trên của bờ cao ngang tầm với mặt trên của hai bờ mương. Mặc dù không được chứng kiến cảnh nước lũ đang về, chúng tôi cũng hình dung được rằng, nếu có mưa lũ, chắc chắn dòng nước không thể đẩy bay bức tường đó, nước sẽ tràn vào nhà dân. Chính điều này đã xẩy ra từ cách đây nhiều năm, năm nào người dân xóm Tân Phú cũng có ý kiến với đại biểu HĐND cấp xã, huyện, nhưng vẫn chưa được xử lý.
Ông Hồ Sỹ Nguyên – Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: Xã có nhận được ý kiến đề nghị của người dân xóm Tân Phú về việc xử lý cái bờ chắn ngang mương Khe Đá đó. Thực tế cho thấy, nếu giữ nguyên cái bờ đó thì người dân xóm Tân Lập bị ảnh hưởng do nước tràn vào vườn, nhà. Nhưng nếu phá hết cái bờ đó thì khi mưa to, nước trong lòng Khe Đá chảy mạnh, khiến dòng nước gây ngập một số cầu, cống, đường giao thông phía dưới. Xử lý ý kiến của người dân, vừa qua UBND xã đã thống nhất phương án đập hạ cái bờ xây đó xuống 1 m để mương Khe Đá vừa có tác dụng phân lũ, chống nước tràn vào khu dân cư, vừa hạn chế thiệt hại cho vùng phía dưới và Làng nghề ngói Cừa xã Nghĩa Hoàn.
Mương Khe Đá là hệ thống thủy lợi do Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ quản lý. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Tuấn – Giám đốc Công ty, cho biết: Đơn vị đã có nghe thông tin, từ khi lòng mương Khe Đá bị xây chặn lại, mỗi lúc có mưa lũ lớn, nước tràn qua 2 bờ mương vào nhà dân sinh sống xung quanh. Việc xây bờ đó không xin phép cơ quan quản lý. Theo ông Tuấn, đây là hành vi xâm chiếm hành lang lòng kênh, nhưng chưa được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý. Vấn đề cần giải quyết hiện nay, trước hết là phải trả lại nguyên trạng lòng kênh ban đầu, sau đó chính quyền địa phương và cơ quan chức năng bàn giải pháp tiếp theo, là xây cái bờ đó như thế nào cho hợp lý, nhằm tránh thiệt hại cho người dân sinh sống hai bên và phía hạ lưu.
Theo chúng tôi tìm hiểu, mương Khe Đá có nhiệm vụ, tưới nước cho đất sản xuất nông nghiệp, còn có vai trò phân lũ cho Khe Muống. Khi có mưa lũ, nước từ mương Khe Đá đổ về Làng nghề ngói Cừa, gây ngập úng. Đó là lý do khiến một nhóm người của làng nghề ngói Cừa lên xây bịt lòng mương Khe Đá!
Bài, ảnh:Xuân Hoàng