(Baonghean) - Ngọn Pu-xai-lai-leng được ví như “nóc nhà” của Nghệ An, nằm sát biên giới Việt - Lào, thuộc địa phận xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Dưới chân núi là 19 bản vùng biên, chủ yếu là người Mông sinh sống, kinh tế còn lạc hậu, cuộc sống phụ thuộc vào thiên nhiên. Sự nghiệp “trồng người” nơi đây gặp rất nhiều khó khăn…

Na Ngoi có 19 bản với hơn 5.000 nhân khẩu, người Mông chiếm trên 80%. Dù bản xa hay gần trung tâm xã đều có một điểm chung là giao thông khó khăn. Hầu hết đường sá của xã biên giới này là đường đất, ngày nắng thì bụi bặm, mưa thì lầy lội. Tại các bản đều có điểm trường tiểu học và mầm non nên học sinh lứa tuổi nhỏ có phần đỡ vất vả. Lên đến lớp 6, các em đã phải dựng lều trọ học. Em Moong Thị May, học sinh nữ duy nhất của bản Huồi Thum được học đến cấp 2. Cuối ngày Chủ nhật, em cùng nhóm bạn tay xách nách mang lên trường, cuối buổi học ngày thứ 7 lại trở về nhà. Con đường đến lớp của May và các bạn ở bản Huồi Thum xa hơn những bạn cùng trường 2, 3 lần. Xế trưa Chủ nhật, các em gùi gạo, muối rồi lên đường chuẩn bị cho tuần học mới. Trên đường đến lớp, hễ gặp bụi nứa nào các em xúm lại kiếm măng. Măng vừa là thức ăn, có khi cũng bán được đôi đồng để trả tiền trọ học và mua cá thịt. Đến được nơi trọ học cũng đã tối mịt. Bản Huồi Thum hiện chỉ có 4 người học đến bậc THCS, 1 em đang học lớp 11 ở Thị trấn Mường Xén.

images975018_chan_trang_45.jpgGiờ học của học sinh bản Xiềng Xí (Na Ngoi, Kỳ Sơn).
Sau những buổi học, các em lại lên rừng hái củi, kiếm rau, lo lấy từng bữa ăn. Mỗi ngày hai bận, vào buổi trưa và chiều tối, lán trọ của các em mù mịt khói bếp. Những bữa ăn đạm bạc thường chỉ có rau rừng, hoặc một vài bó rau trồng mang từ nhà. Hiếm hoi lắm mới có một bữa thịt, cá. Đêm xuống, khi tiếng trống học bài vang lên, những khu lán trọ bỗng chốc trở nên vắng lặng. Tất cả đã tập trung về trường cùng ôn bài dưới sự chỉ dẫn của thầy cô. Mọi mệt nhọc như tan biến, trên những khuôn mặt thơ ngây chỉ còn lại niềm háo hức, lòng hăng say học tập.
 
Những hình ảnh này không còn là chuyện xa lạ ở các xã vùng cao. Những khu lán bán trú, những bữa ăn đạm bạc, những chặng đường rừng dài dặc của học sinh cùng niềm khát khao con chữ đã trở thành nét đẹp trong hành trình đến với tri thức của học sinh vùng cao. 
 
Cuộc sống của trò đã vậy, còn những thầy, cô giáo lên non “gieo chữ” cũng gian nan không kém. Đã vào cuối năm học, cũng là lúc thầy giáo Lô Văn Trọng cùng 4 thầy cô tại điểm trường bản Xiềng Xí thêm bận rộn với những tiết kiểm tra chất lượng và những giờ dạy bù cho kịp chương trình. Thầy giáo người Thái này quê huyện Con Cuông, lên vùng biên giới Na Ngoi từ năm 2000. Ngày ấy, phải đi bộ từ xã Lưu Kiền (Tương Dương) mất cả ngày đường mới vào đến trường. Bây giờ đã có thể đi xe máy vào, nhưng đường sá thì vẫn còn gian nan lắm. Nhà trọ của vợ chồng thầy ở bản Ka Dưới, cách điểm trường gần 10 cây số đường núi. Đi về cũng phải mất cả tiếng. Những hôm dạy học cả ngày, thầy cô phải ở lại trường, dân bản dựng cho thầy cô một khu nhà lá tạm gọi là “ký túc xá”. Nhiều người xa nhà, dạy ở điểm trường xa như thầy Trọng có đến 2 nhà trọ: một khu trọ ở gần điểm trường chính, một lán trọ tại bản như học sinh bán trú vậy.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy (Tường Sơn – Anh Sơn) đến với Na Ngoi đã 3 năm nay. Cuộc sống vùng cao khắc nghiệt khiến cô giáo Thủy nhanh chóng trở nên rắn rỏi. Việc đi lại và bất đồng về ngôn ngữ là những khó khăn lớn đối với cô giáo trẻ. Nhưng rồi, những khó khăn về ngôn ngữ cũng dần qua đi. Cô Thủy đã có thể nghe và hiểu được tiếng Mông, tiếng Thái. Còn học trò bây giờ cũng đã quen nói tiếng Kinh. 
 
Khí hậu ở đây rất khắc nghiệt. Xã biên giới này nằm ở độ cao lớn, là tiểu vùng khí hậu khó chịu bậc nhất miền Tây đất Nghệ. Mùa đông, nhiều khi nhiệt độ xuống gần 00C, lạnh thấu xương. Những ngày hè, địa bàn huyện Tương Dương nóng như chảo lửa, nhiều ngày không có mưa. Thế nhưng, ở địa bàn xã Na Ngoi vào trưa và chiều thường xuất hiện mưa giông kèm với sấm sét. Cuối tháng 4 vừa qua, một trận lốc xoáy tràn đến bản Tặng Phăn khi cô trò vừa bắt đầu giờ học. Mái nhà bị gió giật phăng. Từng mảnh ngói xi măng rơi xuống lớp học. Cũng may nhà có lắp ván gỗ làm trần chống nóng nên cô trò không việc gì. Khó khăn vẫn còn đó, nhưng với tinh thần yêu nghề, mến trẻ, những người “gieo chữ” dưới chân núi Pu-xai-lai-leng như thầy Trọng, cô Thủy vẫn miệt mài với công việc của mình. Còn các em, vẫn kiên trì vượt khó, tiếp thu tri thức với ước mơ xây dựng bản làng no ấm…
 
 
Hữu Vi