(Baonghean.vn) - Tân Kỳ là địa phương có tiềm năng du lịch bởi vậy một trong những định hướng là xây dựng làng du lịch cộng đồng, đi đầu sẽ là bản Thái Minh xã Tiên Kỳ.

Bản Thái Minh xã Tiên Kỳ có 167 hộ với 683 nhân khẩu, 100% đều là đồng bào dân tộc Thái. Điểm mạnh nhất của người Thái ở bản Thái Minh là còn lưu giữ được khá nhiều nhà sàn truyền thống và năm  2015, bản Thái Minh đã được tỉnh công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm.

images1887627_kh_i_ph_c_c_c_l__h_i_truy_n_th_ng____x_y_d_ng_l_ng_du_l_ch_c_ng___ng.jpgVào các ngày lễ, hội bản Thái Minh luôn đông vui nhộn nhịp các hoạt động văn hóa văn nghệ. Ảnh H.C

Hiện nay, có 100 hộ tham gia dệt thổ cẩm, sản phẩm làm không kịp để cung cấp cho thị trường. Ngoài nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, bình quân mỗi hộ có thu nhập 3 triệu đồng/tháng từ nghề dệt thổ cẩm.

“Bình quân mỗi tấm vải thổ cẩm phải dệt mất từ 5-6 ngày, bán được 600 nghìn đồng/tấm. Riêng mỗi bộ áo váy đẹp có đầy đủ phụ kiện thắt lưng bán được hơn 1 triệu đồng. Thu nhập từ nghề này mang lại rất hấp dẫn chị em chúng tôi”- chị Lương Thị Thuận, thành viên tổ dệt thổ cẩm bản Thái Minh chia sẻ.

Không chỉ giàu bản sắc văn hóa độc đáo, mà tại đây còn một hệ thống hang động độc đáo có thể phát triển du lịch bền vững. Từ tiềm năng đó, UBND tỉnh đã có quyết định số 718 ngày 27/2/2017 về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch khu du lịch sinh thái hang Mó gắn với du lịch cộng đồng làng nghề thổ cẩm bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ.

Đây là điều kiện tốt để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, thời gian qua, vừa duy trì hoạt động của làng nghề dệt thổ cẩm, các hộ trong bản còn chủ động tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phục dựng lại một số lễ hội truyền thống...để tạo tiền đề cho việc xây dựng làng du lịch cộng đồng.

“Chúng tôi mong muốn xây dựng bản Thái Minh thành địa điểm du lịch hấp dẫn, và mong Nhà nước cần có sự đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng, nguồn lực con người, sản phẩm du lịch...Có kế hoạch cho bà con trong bản tham gia các lớp tập huấn, đi thực tế ở một số nơi để có thêm kỹ năng trong đón tiếp khách du lịch. Như vậy, sẽ thu hút được nhiều du khách, tạo điều kiện cho người dân có điều kiện giao tiếp, quảng bá một hình ảnh đẹp về vùng đất  còn giữ được những nét đẹp hoang sơ này”- ông Vi Văn Ngọc- Bí thư chi bộ bản Thái Minh đề xuất.

Hang Mó ở Tiên Kỳ được quy hoạch có diện tích 45 ha. Ảnh: Hiến Chương

Theo quyết định phê duyệt, thì khu du lịch sinh thái hang Mó gắn với du lịch làng nghề thổ cẩm bản Thái Minh được quy hoạch có diện tích 45ha, với các chức năng như: ở, dịch vụ thương mại, nghỉ dưỡng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thám hiểm, tìm hiểu văn hóa lịch sử của du khách.

Về không gian kiến trúc sẽ được quy hoạch thành 2 khu vực chính. Trong đó, không gian du lịch sinh thái hang Mó được phát triển về phía Đông bản Thái Minh kết hợp với các khu dịch vụ cắm trại, khu thể thao vui chơi, giải trí, tạo thành quần thể du lịch sống động. Còn không gian du lịch làng nghề thổ cẩm sẽ được tổ chức trên cơ sở bản Thái Minh hiện có, kết hợp với khu chức năng nhà nghỉ vườn, nghỉ tại bản làng, hình thành một không gian giao lưu, trải nghiệm văn hóa bản địa.

“Xây dựng khu du lịch sinh thái hang Mó gắn với du lịch làng nghề thổ cẩm bản Thái Minh là một trong những nhiệm vụ nhằm thực hiện kế hoạch, định hướng phát triển du lịch huyện Tân Kỳ giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2025. Vì vậy, huyện đang chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu KTXH ở vùng này, xây dựng 1 làng du lịch cộng đồng gắn với mô hình homestay" - ông Phạm Văn Hóa - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết.

Hiến Chương

TIN LIÊN QUAN