(Baonghean) - Bằng nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí hạn hẹp hàng năm, các địa phương trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã vận dụng vào việc tu sửa, nâng cấp những công trình thủy lợi nội đồng, mang lại lợi ích thiết thực trong sản xuất nông nghiệp.
Xã Nghĩa Phúc mặc dù không phải là địa phương có nhiều diện tích đất sản xuất lúa nhiều nhất, nhưng được đánh giá là có hệ thống thủy lợi nội đồng hiệu quả nhất huyện hiện nay. Có được như vậy là do địa phương đã sử dụng có hiệu quả nguồn cấp bù thủy lợi phí hàng năm. Ông Đặng Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Địa phương có 280 ha đất sản xuất 2 vụ lúa và 40 ha đất sản xuất 1 vụ lúa. Đặc thù của xã là 100% diện tích đất sản xuất trông chờ vào nguồn nước tưới của 17 hồ đập lớn nhỏ, do vậy việc điều tiết nước tưới hàng vụ rất cần có hệ thống thủy lợi nội đồng kiên cố, mới có thể tiết kiệm nguồn nước. Nếu không, nguồn nước tưới lấy từ hồ đập sẽ bị thẩm thấu, rò rỉ, hiệu quả tưới tiêu thấp, lãng phí nguồn nước, hồ đập sẽ thiếu nước.
Bởi vậy, những năm qua, nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí được UBND huyện phân bổ về đều được địa phương quan tâm đầu tư tu sửa, kiên cố nhiều tuyến mương nội đồng, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2010 đến nay, địa phương đã được cấp gần 2 tỷ đồng bằng nguồn cấp bù thủy lợi phí. Với phương châm, không được để lãng phí công trình và làm đến đâu chắc đến đó, trên cơ sở những công trình thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng, do xây dựng cách đây nhiều năm, địa phương chỉ đạo các nhà thầu đổ bê tông toàn bộ đáy và thành mương, không xây như trước. Mỗi năm làm một công trình, đến nay, Nghĩa Phúc đã kiên cố được 3,7 km mương nội đồng, đảm bảo chất lượng, bằng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí.
Dẫn chúng tôi đến chân đập Bàu Cốc, nơi có con mương vừa được kiên cố hóa bằng nguồn cấp bù thủy lợi phí của năm 2015. Đoạn mương dài hơn 200 m này, nối từ cống điều tiết của con đập đến cánh đồng Bàu Cốc. Mương được thiết kế, lòng mương rộng 40 cm, toàn bộ đáy và thành đều đổ bê tông dày 14 cm, cứ 2m có một thanh dầm bắc qua mương. Do có độ dốc lớn, lòng mương thông thoáng, nên dòng nước tưới chảy mạnh. Ông Đặng Xuân Nam, cho biết: Đoạn mương này trước đây được xây bằng viên táp lô, sau 10 năm sử dụng, mương hư hỏng hoàn toàn. Nay thay thế bằng cách đổ bê tông trực tiếp, thời gian sử dụng sẽ lâu hơn. Toàn bộ 3,7 km mương nội đồng đã được tu sửa, nâng cấp bằng nguồn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước trên địa bàn xã đều thiết kế và thi công như thế này. Nhờ có hệ thống thủy lợi nội đồng được kiên cố hóa, đã góp phần quan trọng trong việc tiết kiệm nước tưới được điều tiết từ hồ đập, nâng cao năng suất lúa hàng năm.
Tuy nhiên, theo ông Nam thì, những công trình thủy lợi nhỏ như thế này nếu để cho địa phương tự khảo sát, thi công thì đỡ tốn kém hơn, khối lượng công trình sẽ nhiều hơn. (Theo quy định của Nhà nước, mỗi công trình phải có bản khảo sát, thiết kế mới quyết toán được công trình, do vậy nhà thầu phải dành một phần kinh phí trong nguồn vốn đó để chi cho công việc này). Cũng theo ông Nam, với công trình thủy lợi nội đồng, kinh phí ít, địa phương có đủ khả năng làm được, bởi địa phương có HTX dịch vụ nông nghiệp, trong xã còn có nhiều tổ xây dựng, với đầy đủ phương tiện, dụng cụ và thợ nề.
Xã Nghĩa Thái là địa phương không có hồ đập, nhưng có tới 9 trạm bơm được đặt dọc sông Con. Nhờ nguồn cấp bù thủy lợi phí hàng năm, 280 ha đất sản xuất lúa của địa phương hàng năm được bơm cung cấp nước đầy đủ cho sản xuất. Ông Nguyễn Trọng Sơn, nông dân xóm Viên Thái bộc bạch: Gia đình làm hơn 3 sào ruộng, chính quyền địa phương vụ nào cũng vận hành máy bơm, cung cấp nước tưới đầy đủ. Nhờ có chính sách của Nhà nước, người nông dân ở đây làm ruộng, không phải đóng một khoản phí thủy lợi nào. Ông Phan Kim Vân, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Với đặc thù của địa phương là 100% diện tích đất sản xuất lúa phụ thuộc vào trạm bơm, nhờ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí hàng năm, địa phương chủ động vận hành máy, điều tiết nước hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Do vậy, tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo tăng năng suất cây trồng, đảm bảo quyền lợi cho nông dân.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện, từ năm 2010 đến nay Tân Kỳ luôn được Nhà nước cấp nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí để đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi nội đồng và hỗ trợ các trạm bơm thủy lợi. Theo đó, từ năm 2010 - 2012 mỗi năm được cấp 3,9 tỷ đồng; năm 2013 được cấp 6 tỷ đồng; năm 2014 được cấp 6,2 tỷ đồng; năm 2015 là 6,4 tỷ đồng. Căn cứ vào diện tích đất sản xuất lúa của từng địa phương để huyện phân bổ nguồn vốn này. Nguồn vốn này, được các địa phương sử dụng vào việc tu sửa, nâng cấp kênh mương nội đồng; chi trả tiền điện, dầu cho các trạm bơm nước và hỗ trợ quản lý các công trình. Theo khảo sát của UBND huyện, mỗi năm các địa phương sử dụng nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí, tu sửa, nâng cấp từ 4,5 đến 5 km mương thủy lợi nội đồng. Do sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có sự giám sát thường xuyên của huyện, phần lớn các công trình được tu sửa bằng nguồn vốn này phát huy hiệu quả tưới tiêu, tiết kiệm nước tưới.
Xuân Hoàng