(Baonghean.vn) - Làng Phong Thành xưa (nay là xóm 13, xã Nghi Phong - Nghi Lộc) từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan thuyền thúng. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nghề của làng vẫn đang được duy trì. Tuy trong làng hiện chỉ còn 5 hộ theo nghề, nhưng vẫn luôn là cơ sở chính cung cấp thuyền nan cho các làng chài ven biển trong tỉnh và một số tỉnh lân cận...

Theo những cụ cao niên trong làng, nghề đan lát ở Nghi Phong đã xuất hiện cả mấy trăm năm trước. Người dân biết đến cái nghề đan lát này là do tổ tiên bao đời truyền lại. Thuở xưa, nhà nào cũng đan lát để bán kiếm thêm tiền mắm, muối và để làm đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Riêng nghề đan thuyền thúng bắt đầu phổ biến từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhất là khoảng hơn 20 năm trở lại đây do nhu cầu của nghề biển. Ngoài công dụng vận chuyển người, thực phẩm và nhiên liệu từ bờ ra tàu cho chuyến biển cũng như chở sản phẩm từ tàu vào bến; thuyền thúng ngày nay còn dùng phổ biến cho các nghề vây rút chì và câu thúng.

Hoàn thiện một chiếc thuyền thúng mất khá nhiều thời gian, thợ lành nghề cũng phải từ 4 - 5 ngày mới hoàn thành được 1 chiếc thuyền cỡ trung, còn thuyền cỡ lớn có đường kính vành trên 2m phải mất 8 - 10 ngày công. Một chiếc thuyền khi hoàn thiện có giá trung bình từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng, tùy thuộc vào tùy kích cỡ; trừ chi phí mua nguyên vật liệu, thu nhập mỗi chiếc thuyền được 1 - 1,3 triệu đồng... Mặc dù những năm gần đây, với sự xuất hiện của thuyền nhựa các loại, nhưng thuyền thúng Nghi Phong với ưu điểm bền, nhẹ, cơ động trên biển và giá thành lại rẻ hơn nên vẫn được nhiều ngư dân ưa chuộng. 

Dưới đây là một số hình ảnh của làng nghề thuyền thúng Phong Thành

images1200742_a_1.jpgGần 50 năm gắn bó với nghề đan thuyền thúng, cái dáng ngồi chẻ nan của ông NguyễnVăn Hoa - ở xóm Phong Thành vẫn không thay đổi. Theo ông Hoa: Việc vót nan ngoài tay nghề, người thợ cần phải có kinh nghiệm; như nan vót phải đều, thẳng, mềm ở ngoài và cứng dần vào bên trong để dễ đan, nan sau khi vót xong phải phơi một ngày nắng cho khô để tránh “co giãn” sau này.
Ở xóm Phong Thành, làm thuyền thúng cũng là nghề truyền thống của gia đình anh Phạm Văn Hoa. 15 tuổi, anh Hoa đã thành thạo việc trẻ nan, đan liếp và lấy tâm thúng…
Tùy vào độ thưa dày của lớp mê, người thợ sẽ chẻ tre, lột lấy phần cật (lớp vỏ cứng ngoài cùng của thân tre), sau đó cạo bỏ lớp vỏ xanh rồi đan thành mê. Mê được phơi nắng, phơi sương đến khi chuyển sang màu vàng mới đưa vào tạo hình thúng.
Để tăng tuổi thọ, độ an toàn cho thuyền phải dùng tre đặc, không non cũng không già, chỉ sử dụng từ nửa thân trở xuống. Riêng tre làm vành thúng phải được lựa chọn lỹ lưỡng vì vành như “xương sống” nâng đỡ và giữ cho thuyền thăng bằng.
Và để uốn vành thuyền thúng đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, vì đây là công việc hoàn toàn thủ công, không có máy móc phụ trợ.
Trước đây, người làm nghề phải đào khuôn đất để bỏ mê vào, dùng chân dẫm đều khắp khuôn thành hình cái thúng. Nay người thợ chỉ cần làm 4 cọc, sau đó đặt mê lên để tạo hình.
Theo anh Phạm Văn Hoa, khó nhất trong các công đoạn làm thuyền thúng là công đoạn lận vành, bởi nó đòi hỏi sự chính xác khi đo đường kính và độ cao theo kích thước khách hàng yêu cầu.
Dùng cước chuyên dụng để cố định vành là công đoạn cuối cùng để hoàn thành một chiếc thuyền thúng.
Theo những người thợ đan Nghi Phong, nếu được bảo quản tốt tuổi thọ của thuyền thúng có thể lên đến hàng chục năm.Thuyền nan có ưu điểm là nhẹ, cơ động, chịu sóng và chống lật tốt nên vẫn được nhiều ngư dân lựa chọn.
Tại hộ ông Nguyễn Văn Hoa, việc tiêu thụ sản phẩm không chỉ là ngư dân các làng chài Nghi Thiết, Nghi Quang, Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc); xã Nghi Tân, Nghi Thuỷ (Thị xã Cửa Lò) mà đã mở rộng ra thị trường tỉnh bạn như Thanh Hoá, Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Ngọc Anh