(Baonghean) - Hiện nay, tăng trưởng tín dụng bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 6,6%. Nếu như khối ngân hàng thương mại (TM) nhà nước tăng trưởng tín dụng tốt, lãi suất cho vay hợp lý thì tình hình ngược lại đối với khối ngân hàng cổ phần. Khá nhiều ngân hàng cổ phần trên địa bàn gặp khó khăn trong cho vay, dư nợ thấp.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, dẫn đầu tăng trưởng tín dụng đang thuộc về Ngân hàng Công thương chi nhánh Bắc Nghệ An, đạt tới trên 30%. Còn Ngân hàng Vietcombank Vinh 20%, Ngân hàng Đầu tư Phủ Diễn 19,6%... Chênh lệch giữa huy động và cho vay thấp cũng đang thuộc về khối ngân hàng quốc doanh, ở mức 2,5%. Trong năm 2015, Ngân hàng Vietcombank Vinh thu hút được nhiều khách hàng và dự án tốt. Điển hình là dự án thủy điện Bản Ang vay lại Ngân hàng Thế giới (WB) theo chương trình phát triển năng lượng tái tạo REDP, hợp đồng tín dụng 360 tỷ đồng hiện đã giải ngân 129 tỷ đồng. Công ty CP Tổng công ty khoáng sản xây dựng dầu khí Nghệ An 35 tỷ đồng.

Bên cạnh việc thu hút khách hàng mới, Vietcombank Vinh tiếp tục đầu tư cho các khách hàng truyền thống, uy tín để mở rộng sản xuất kinh doanh như Công ty CP Bia Hà Nội – Nghệ An 220 tỷ đồng, Công ty CP 471 là 87 tỷ đồng, Công ty CP Tổng công ty khoáng sản xây dựng dầu khí Nghệ An 35 tỷ đồng. Bà Lê Thị Huệ Anh, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Vinh cho biết: Đến 30/7, đơn vị huy động vốn đạt 5.715 tỷ đồng, dư nợ đạt 3.860 tỷ đồng, tăng 645 tỷ đồng, tương ứng 20%. Nhờ quản lý tiền mặt tốt nên dù dư nợ tín dụng tăng trưởng cao nhưng tỷ lệ nợ xấu rất thấp, giảm từ 0,35% thời điểm đầu năm xuống còn 0,2% thời điểm hiện tại. Mục tiêu trong năm 2015 tăng trưởng tín dụng đạt 25% (4.023 tỷ đồng), nợ xấu dưới 0,5%. Với tình hình khả quan hiện nay chúng tôi tin tưởng sẽ đạt mục tiêu đề ra cả về tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng.

images1200899_giao_di_ch_ta_i_vietcombank_chi_nha_nh_vinh.jpgGiao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vinh.


Tại ngân hàng Agribank chi nhánh Nghệ An cũng đang duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý, tăng trưởng bền vững. Đến nay, huy động tại ngân hàng này đạt 16.500 tỷ đồng, cho vay 13.500 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 7%. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, năm 2015 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là 13 - 14%. Các ngân hàng lớn có ưu thế tài khoản thanh toán nhiều, thu hút các doanh nghiệp lớn có dòng tiền tốt. Vì có lãi suất đầu vào thấp (khoảng 5%/năm) nên lãi suất cho vay tại các ngân hàng này khá thấp, có món chỉ 6%/năm.

Trong khi đó, cho vay đang là bài toán khó đối với khối ngân hàng cổ phần. Do lãi suất đầu vào đã đạt bình quân khoảng 6,5% nên đầu ra khá cao, bình quân từ 10 - 11%/năm. Theo các chuyên gia ngân hàng, chênh lệch giữa huy động và cho vay để ngân hàng phát triển tốt khoảng 2 - 3%. Tuy vậy, do phải tập trung xử lý nợ xấu, chi phí đầu vào cao nên mặc dù lãi suất huy động thấp nhưng các ngân hàng, nhất là khối TMCP vẫn đang duy trì mức lãi suất cho vay cao, trong khi doanh nghiệp sản xuất khó khăn. Nhiều ngân hàng như MHB, Đại Dương, SHB đang gặp khó trong phát triển khách hàng mới. Tại Ngân hàng TMCP SHB chi nhánh Vinh, năm 2014 tăng trưởng tín dụng lên tới 28%, nhưng từ đầu năm đến nay cho vay gần như dẫm chân tại chỗ. 7 tháng đầu năm huy động đạt 1.900 tỷ đồng, cho vay đạt 1.040 tỷ đồng- duy trì thời điểm đầu năm. Anh Nguyễn Sỹ Minh, Kế toán trưởng Ngân hàng TMCP SHB chi nhánh Vinh chia sẻ: “Mặc dù muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng phải thừa nhận rằng doanh nghiệp có “sức khỏe”, đáp ứng các điều kiện vay vốn của ngân hàng không nhiều. Vì thế, bên cạnh mảng cho vay khách hàng truyền thống, chúng tôi chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng rủi ro và sức ép tự xử lý nợ xấu, nên rất khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trong năm nay”.

Tình hình khởi sắc hơn đối với Ngân hàng Sacombank chi nhánh Nghệ An nhưng anh Hoàng Chí Hưng, Phó giám đốc chi nhánh cho biết, từ đầu năm đến nay, cho vay tại chi nhánh đạt 1.000 tỷ đồng, đạt gần 10%, tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% vào cuối năm nay phải hết sức cố gắng.

Theo số liệu từ Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An, đến 30/7/2015, huy động vốn trên địa bàn đạt 72.700 tỷ đồng, tăng 8,6%; cho vay đạt 116.800 tỷ đồng, tăng 6,6% (trong khi cùng kỳ tăng 7,7%). Riêng khối ngân hàng thương mại (trừ Ngân hàng Phát triển) dư nợ đạt 95.350 tỷ đồng, tăng 9,1%. Cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 48.500 tỷ đồng, tăng 6,5%, cho vay xuất khẩu lao động đạt 1.250 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 26.800 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ không hấp thụ được vốn, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm.

Theo nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt từ 15 - 20% trên địa bàn trong năm nay là không dễ. Ông Cao Song Điệp, Trưởng phòng tổng hợp, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An cho rằng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ thể hiện khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp yếu khiến tăng trưởng tín dụng thấp. Trong bối cảnh các ngân hàng tập trung xử lý nợ xấu nên dù phải đẩy mạnh cho vay nhưng cán bộ tín dụng lại phải thận trọng với khách hàng trong công tác thẩm định. Hiện các ngân hàng tập trung các gói tín dụng cho vay tiêu dùng, sinh hoạt đối với công nhân viên hưởng lương có thu nhập ổn định. Kênh cho vay này mặc dù không có những món lớn nhưng hạn chế được rủi ro.

Mới đây, Thống đốc NHNN đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 cho nhiều ngân hàng TMCP, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm cho phép các ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để đạt chỉ tiêu toàn ngành 15 - 17% cuối năm. “Với việc được tăng chỉ tiêu tín dụng, các ngân hàng sẽ có điều kiện cho vay nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu vốn tăng lên trong năm nay, và cũng là cơ hội mang về lợi nhuận nhiều hơn. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn trong cho vay, chúng tôi vẫn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thẩm định, tránh nợ xấu tăng cao” – Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết.

Thời gian qua, hệ thống ngành Ngân hàng đã đồng hành và hỗ trợ vốn kịp thời cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, NHNN chi nhánh Nghệ An cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các tổ chức tín dụng trên địa bàn để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương chính sách mới, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
 

Thu Huyền