Chuyển biến từ cơ sở
Xã Đồng Văn thuộc vùng khó khăn của huyện Tân Kỳ, nơi có đồng bào dân tộc Thái, Thổ chiếm 30% dân số, nhưng những năm gần đây có nhiều đổi thay mạnh mẽ từ “điện, đường, trường, trạm... Đó là phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ cơ sở trẻ năng động bám Nghị quyết các cấp, từ thực tế huy động nội và ngoại lực để đầu tư xây dựng nhiều công trình cho quê hương.
Nửa nhiệm kỳ qua, xã Đồng Văn đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng Trường Tiểu học Đồng Văn 1 khang trang, sạch đẹp, sân vận động trung tâm xã, công trình nước sạch tập trung tại xóm Châu Thành 4, trụ sở xã. Đặc biệt, trên địa bàn xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 cây cầu cứng như cầu Khe Chiềng, Vĩnh Thành, Tiến Đồng từ các dự án nước ngoài đầu tư. Ngoài ra còn nhiều cống, tràn tại Thung Mòn, nhiều tuyến đường bê tông sạch đẹp, có những tuyến bê tông trị giá hơn 10 tỷ đồng... 
bna_image_2427553_1682018.jpgCầu xóm Tiến Đồng, xã Đồng Văn (Tân Kỳ) mới đưa vào phục vụ nhân dân. Ảnh: Châu Lan
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Văn, Nguyễn Văn Khánh cho biết: Từ chủ trương, Nghị quyết cấp trên, nắm tình hình cơ sở, cán bộ xã tích cực huy động các nguồn vốn, lồng ghép chương trình, dự án để đưa được nhiều công trình về xã, giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa tốt hơn. Ngoài hệ thống hạ tầng, xã còn nhiều mô hình kinh tế như: Chăn nuôi lợn của anh Bùi Bá Hợi, mía, cam của ông Võ Văn Sinh (Thung Mòn), các mô hình trang trại cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm...

Ở xã Tân Xuân, sự gắn bó với nhà đầu tư trên địa bàn cũng giúp cho xã thực hiện được 4 mô hình mía với tổng diện tích hơn 200ha theo hình thức công nghệ cao cho năng suất 80 - 120 tấn/ha ở các xóm Xuân Yên, Hoàng Xuân, Trung Lương, Thanh Trà. Ngoài ra còn những mô hình lúa SRI đạt 8 tấn/ha. Trên địa bàn xã có nhiều cơ sở mộc, xay xát, dịch vụ thương mại, chăn nuôi.
Còn trên công trường dự án chợ Tân Kỳ do HTX Hải An làm chủ đầu tư, chỉ sau ít tháng kể từ ngày khởi công, đơn vị đã thi công xong tầng hầm và tầng 1 của chợ, dự kiến đến tháng 11/2018 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Ở xã Nghĩa Đồng, Nhà máy may Mạnh Thành đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho gần 500 công nhân. Huyện cũng đang xúc tiến một nhà máy may Hàn Quốc vào địa bàn trong thời gian sắp tới. 
Nông dân Tân Kỳ nhập sữa cho Vinamilk. Ảnh: Trân Châu
Hơn 2,5 năm qua, Tân Kỳ đã thu hút được 16 dự án, với tổng mức đầu tư 1.375 tỷ đồng về trên địa bàn. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Showroom ô tô và dịch vụ thương mại tại xã Kỳ Tân, siêu thị Điện máy tại ngã tư Bách hóa, xây dựng chợ Tân Kỳ; tiếp tục hoàn thiện Công trình Tượng đài Hậu phương hướng về tiền tuyến. Huyện tiến hành dự án mở rộng, rải thảm đường giao thông từ ngã tư Bách hóa đi vòng xuyến, đường từ vòng xuyến đến dốc Truông Doong.
Hiện nay, Tân Kỳ đang xúc tiến Dự án nông nghiệp công nghệ cao FLC 300 ha trồng cây thanh long xuất khẩu tại xã Giai Xuân với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng;khu vui chơi giải trí và dịch vụ tổng hợp tại khối 6, thị trấn Tân Kỳ với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng. Ngoài ra đang tích cực xúc tiến dự án Nhà máy gạch không nung tại xã Kỳ Tân, Nhà máy may Tân Kỳ; Nhà máy sản xuất bê tông thương phẩm và cấu kiện bê tông đúc sẵn...
Là huyện giàu tiềm năng về vật liệu xây dựng, kinh tế rừng, đồi có lợi thế nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, nhân dân cần cù chịu thương chịu khó, đội ngũ cán bộ đoàn kết, nhất trí, những năm gần đây, kinh tế - xã hội Tân Kỳ có những chuyển biến tích cực. Môi trường đầu tư được cải thiện hơn, việc thu hút đầu tư vào địa bàn khởi sắc hơn.
Không chỉ trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, đến nay, toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu ĐH 10-11 xã) và có 85/261 xóm đạt nông thôn mới. Các vụ việc trọng tâm, nổi cộm trên địa bàn được lãnh đạo tập trung giải quyết tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, các cơ quan đơn vị luôn nâng cao tinh thần giữ vững kỷ cương kỷ luật, đạo đức công vụ, phục vụ tốt cơ sở, nhà đầu tư, chăm lo giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, từ đó doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn làm ăn. Một lĩnh vực nữa là du lịch cũng bắt đầu quan tâm khai thác.

Sản xuất gạch ngói cao cấp ở xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ). Ảnh: Trân Châu
Ông Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: Xác định Tân Kỳ cần rất nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng, phục vụ sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân, vì vậy, huyện huy động toàn hệ thống chính trị tham gia vào công tác vận động mời gọi đầu tư và thực hiện các dự án.
Huyện tiếp tục đồng hành cùng với nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi, xử lý các vướng mắc để kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn, đặc biệt là công tác đền bù GPMB. 
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền đồng hành tích cực cùng các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Triển khai thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối được phê duyệt, khuyến khích nhân dân tích tụ ruộng đất. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản và môi trường. 
Thống kê nửa nhiệm kỳ, huyện Tân Kỳ có 8 chỉ tiêu đạt và vượt; dự báo kết thúc nhiệm kỳ có 18/22 chỉ tiêu đạt và vượt, 04/22 chỉ tiêu theo dự báo khó đạt theo kế hoạch đề ra.