Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đăng trên website để lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp và người lao động về những nội dung dự kiến sẽ sửa đổi trong Bộ luật Lao động lần này.
Thời giờ làm thêm là một trong những nội dung sẽ được đưa ra lấy ý kiến, xem xét sửa đổi. Bởi theo các doanh nghiệp, việc quy định tổng số giờ làm thêm tối đa mỗi năm 200 giờ và 300 giờ trong những trường hợp đặc biệt theo luật hiện nay là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
Tổng số thời giờ làm thêm tối đa có thể lên tới 400 giờ/năm. So với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (ví dụ, Campuchia, Philippines không khống chế số giờ làm thêm tối đa, Indonesia 56 giờ/tháng, Singapore 72 giờ/tháng, Thái Lan 36 giờ/tuần, Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng…). Đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ của Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nói về vấn đề này, ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo báo cáo tổng kết đánh giá 3 năm thi hành Bộ luật Lao động 2012, tình trạng doanh nghiệp tổ chức làm thêm quá số giờ quy định diễn ra phổ biến trong các ngành nghề như may mặc, chế biến thủy sản, gia công hàng xuất khẩu.
Tại nhiều diễn đàn doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và qua các cuộc đối thoại hàng năm đều có kiến nghị với Chính phủ, với Quốc hội về tăng thời gian làm thêm giờ, cho nên lần soạn thảo này Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục trình Chính phủ tăng giới hạn làm thêm giờ.
Việc tăng như thế nào là do hai bên tự thỏa thuận và quyết định với nhau. Nếu người lao động đồng ý thì người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ, nhưng một ngày không quá 4 giờ và một năm có thể không quá 400 giờ.
Bàn về đề xuất dỡ bở khung trần giờ làm thêm và tăng số giờ làm thêm lên 400 giờ, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm phải xem xét nhiều yếu tố. Theo các nghiên cứu, khảo sát của Viện Nghiên cứu Công nhân và công đoàn nhiều lao động muốn làm thêm giờ chỉ vì lương không đủ sống.
Tăng thời gian làm thêm giờ không phải là một giải pháp dài hạn để tăng cường sản xuất. Thời gian làm việc dài trong một tuần thường đi kèm tình trạng mệt mỏi, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, làm thêm giờ quá cao cũng kiến gia tăng sự nhầm lẫn khi làm việc và tai nạn lao động rình rập. Ngoài ra, thời gian làm việc dài trong 1 tuần (hơn 48 giờ/tuần) cũng đi kèm với tình trạng mất cân bằng cuộc sống, công việc và làm tăng mâu thuẫn cuộc sống, công việc.
Ngoài ra ông Lê Đình Quảng cho rằng việc doanh nghiệp kiến nghị thời gian làm thêm giờ của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nên cần phải nâng thời giờ làm thêm là chưa chính xác.
Có thể quy định trần giờ làm thêm ở nước ta còn thấp hơn, nhưng thực tế quỹ thời gian làm việc tối đa của người lao động lại cao hơn so với một số nước trong khu vực. Nếu lại tăng cao giới hạn thời gian làm thêm giờ thì cũng đồng nghĩa với việc tăng quỹ thời gian làm việc tối đa của người lao động, như thế là đi ngược lại xu thế của thế giới.
Để giải quyết khó khăn thực tế của một số doanh nghiệp khi có những chu kỳ sản xuất đột xuất (chủ yếu là ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản), ông Lê Đình Quảng gợi ý, có thể nghiên cứu bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng.
Tuy nhiên, cần bổ sung quy định lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến theo số giờ làm thêm. Chẳng hạn khi người lao động làm thêm giờ vào ngày thường và đến 30 giờ trong tháng được trả ít nhất 150%; từ trên 30 giờ trong tháng trở lên được trả ít nhất 200%. Có như vậy mới buộc được các doanh nghiệp phải tính toán trước khi huy động lao động làm thêm giờ.